Montag, 2. Januar 2017

 NĂM ĐINH DẬU NÓI CHUYỆN VỀ GÀ
Người Pháp gọi gà trống Le Coq, gà thể thao Le Coq sportif, con mái La Poule,. Người Mỹ thì có những tên cock, rooster, chick, chicken. Vào lễ Thanksgiving họ thường hay ăn gà tây (turkey) gọi là con gà gô (Le Dindon) Người Nam còn gọi gà tây là gà lôi.ay được thịt ngon hơn nhưng giá tiền khá đắt so với giới bình dân.

Các loại gà sống thích hợp tuỳ theo khí hậu, có độ lớn và cân nặng khác nhau, loại gà Meleagris gallopavo silvestris cao 100 cm nặng 7000-8000 g. Loại gà vườn nuôi ở Việt Nam gọi là Cochinchina-Bankivahuhn tên khoa học Gallus gallus . Các họ gà như họ trĩ gồm các loại công, gà lôi, gà rừng..họ hạc gồm có điệc, cò nhiều loại, hạt đen, già đẩy Java, họ đà điểu, họ ưng như đại bàng, kên kên, điều hoa, họ ngỗng, họ cu như cu đất ..

NGUỒN GỐC CON GÀ

Gà là một giống chim. Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có tất cả 150 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên là Red Jungle Fowl, và tên khoa học là Gallus gallus. Rất có thể gà đã được con người thuần dưỡng để lấy thịt từ thời săn bắt và hái lượm. Theo các tài liệu nghiên cứu khảo cổ trong thập niên 1980, và dựa vào các di vật tìm được trong vùng Thung lũng Indus (tức Pakistan ngày nay), giới khoa học cho rằng loài chim này được con người thuần dưỡng vào khoảng 4000 năm trước đây. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học Trung Quốc dựa vào các di chỉ tìm thấy trong các vùng thuộc sông Hoàng Hà cho rằng Trung Quốc mới là nơi đầu tiên thuần dưỡng các loài gia cầm như gà và ước tính thời điểm thuần hóa gà xảy ra vào khoảng 6.000 đến 7.500 năm trước đây. Nhưng thời điểm này cũng bị nghi ngờ, bởi vì khí hậu và môi trường miền bắc Trung Hoa không thể là nơi lý tưởng cho loài gà rừng Red Jungle Fowl được.

Hình ảnh gà mẹ dẫn đàn gà con nhỏ xíu đi kiếm ăn khiến tôi liên tưởng đến truyền thuyết tổ mẫu Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con. Và có lẽ từ xa xưa người Việt đã rất quý trọng và gần gũi với những con gà, bởi các di chỉ khảo cổ trên trống đồng Hoàng Hạ cũng có khắc hình những con gà. Phải chăng, chỉ những xứ sở của nền văn minh lúa nước mới có được sự gắn bó mật thiết giữa những chú gà và người nông dân? Tiếng gà gáy ngoài việc báo thức còn gửi gắm cho chúng ta cảm giác thanh bình của ngày mùa

Trong hai công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên Tập san Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, một nhóm khoa học gia Nhật so sánh cấu trúc di truyền của 21 giống gà nuôi thuộc gia đình Gallus gallus từ Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Sri Lanka, v.v..., và phát hiện rằng giống gà ở Thái Lan có hệ số phong phú di truyền cao nhất, tức là giống gà ở đây có độ tuổi di truyền cao nhất. So sánh DNA gà Đông Nam Á và DNA các giống gà khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật đi đến kết luận rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới ngày nay xuất phát từ một giống gà từng sống (hay được thuần dưỡng) tại một vùng đất mà ngày nay thuộc Thái Lan và Việt Nam. Họ còn ước tính rằng thời điểm thuần hóa gà rừng tại Đông Nam Á bắt đầu vào khoảng 8.000 năm về trước. Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Nhật, dựa vào phương pháp nghiên cứu sinh học phân tử hiện đại nhất, cũng phù hợp với các di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở nước ta. Tài liệu khảo cổ học Việt Nam cho biết có khá nhiều xương cốt của các loài gia cầm như gà, vịt, chó, trâu, bò,.v.v... thuộc thời kỳ hậu đồ đá mới được tìm thấy tại Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, và Hoa Lộc. Tại Đồng Đậu, các nhà khảo cổ học Việt Nam còn phát hiện 2 tượng gà nặn bằng đất nung. Như vậy, có thể nói gà đã được con người thuần dưỡng ít nhất là 8.000 năm trước đây tại những vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay.

Trong cuốn Origin of species, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Gần đây, có hai nghiên cứu từ Nhật cho thấy giống gà Shamo, một loại gà nòi được nuôi chủ yếu cho thể thao đá gà, có nguồn gốc từ Đông Dương và miền nam Trung Hoa.

TIẾNG GÁY CỦA GÀ

Trong những con vật biết gáy có lẽ con gà là gần gũi với con người nhất và trong 12 con giáp thì gà (Dậu) đứng ở vị trí số 10. Âm hưởng tiếng gáy của những chú gà trống với bộ lông đặc sắc, cái mồng đỏ hoe, tươi roi rói đã dội vào cảm thức chúng ta nỗi xao xuyến, bồi hồi, có khi phấn khích, vui nhộn, lúc thì quặn thắt, đau xót và thỉnh thoảng lại gợi lên nỗi niềm nhung nhớ vời vợi. Từ thời xa xưa khi con người chưa sáng chế ra đồng hồ, có lẽ tiếng gà gáy đã góp phần vào việc báo thức cho người nông dân thức dậy chuẩn bị công việc đồng áng.
Không giống những con vật biết gáy khác, tiếng gà gáy trong ngày có thể chia thành ba thời: sáng, trưa và xế chiều. Thông thường, buổi sáng bắt đầu từ giờ Dần (từ 3 giờ đến 5 giờ) những chú gà bắt đầu gáy, khi đã có một tiếng gáy cất lên phá vỡ bầu không gian im ắng thì sau chốc lát sẽ có những tiếng gáy nối đuôi liên hồi của những chú gà hàng xóm. Tuy mỗi chú gà có một giọng gáy khác nhau; con thì trong thanh, tươi tắn, con thì khàn khàn đục, có chú gà giọng ngân nga quyến luyến, chú gà khác thì tiếng gáy gãy gọn, cụt lủn... nhưng khi xướng lên thì tạo thành khúc hợp tấu đón chào bình minh. Buổi trưa gà thường gáy vào giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) và buổi chiều những chú gà thường gáy vào giờ Dậu (từ 17 giờ đến 19 giờ). Có lẽ những chú gà trống là con vật gáy khoẻ và trữ tình nhất trong những loài biết gáy.

Nói đến một giai đoạn lịch sử với tiếng gà gáy hàng ngày vẫn trôi qua buồn thảm, Kinh đô còn đó nhưng chủ quyền quốc gia mất dần vào tay thực dân Pháp 

Bến chợ Đông ba, tiếng gà eo-óc
Bến chùa Thọ Lộc, tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương giợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng
Hoặc trong hoàn cảnh gia đình
Trách con gà gáy vô tình
Chưa vui sum họp, đã đành chia phôi
Trách gà vội gáy tàn canh
Không lâu tí nữa, cho tình thở than
Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng
 

THIÊN CHỨC LÀM MẸ CỦA GÀ MÁI

Gà trống có tiếng gáy lanh lảnh thì gà mái lại có tiếng cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng, ra điều ta đây vừa hoàn thành chức năng của giống cái. Thế cho nên dân gian mới có câu “Gà đẻ gà cục tác, Bác đẻ bác la làng” hoặc “Gà đẻ gà cục tác, Ác đẻ ác la”!

Gà mái thường đẻ trứng mỗi ngày một quả, tính ra một chu kỳ “thai nghén” kéo dài trên dưới 10 ngày. Tiếp đến là giai đoạn ấp trứng, đây chính là lúc thể hiện bản năng của loài gà: cứ miệt mài nằm ấp, ít ra khỏi ổ để giữ nhiệt độ thích hợp cho việc nở trứng ở 37,5°C . Giai đoạn này cũng là lúc cô gà mái dữ dằn hơn bao giờ hết, cô sẵn sàng phản ứng quyết liệt bằng cách mổ nếu bị làm phiền, bất kể kẻ đó là chú gà trống hay con người.

Thời gian “ở cữ” kéo dài khoảng 20 ngày. Trời phú cho gà mái khả năng nghe thấy gà con kêu trong vỏ trước khi trứng nở và gà mẹ sẽ nhẹ nhàng “cục tác” để kích thích gà con mổ vỏ chui ra. Gà con mổ một lỗ thở trên vỏ trứng, nghỉ ngơi lấy sức trong vài giờ và hấp thu phần lòng trắng trứng còn lại trước khi tiếp tục mổ cho đến khi lớp vỏ vỡ ra. Đó là lúc chú gà con chính thức chào đời và bộ lông măng được làm khô dưới sức ấm của tổ.

Gà mái kiên nhẫn nằm trong tổ khoảng hai ngày sau khi quả trứng đầu tiên nở rồi mới chịu rời ổ, bỏ lại những quả trứng “ung”. Gà con mới nở được gà mẹ ra sức bảo vệ và được mẹ ủ kín để giữ ấm khi cần thiết. Gà mẹ dẫn các con tìm thức ăn và nước uống, nó sẽ gọi con khi tìm thấy thứ gì ăn được nhưng hiếm khi mớm trực tiếp cho con. Gà mẹ tiếp tục chăm sóc gà con cho đến khi chúng được vài tuần tuổi, sau đó nó sẽ mất dần hứng thú và lại bắt đầu đẻ trứng mới..

Gà mái có thể ví như một bà mẹ hiền bên đàn con thơ nheo nhóc. Mẹ dẫn các con đi tìm mồi, thỉnh thoảng dừng lại như để điểm danh quân số và dáo dác tìm con khi có tiếng chíp chíp của đứa con lạc mẹ.

Cảm động nhất là những lúc bầy gà nghỉ ngơi. Mẹ gập chân xuống, xù lông để các con chui vào nơi an toàn nhất. Gà con cũng có đứa ngoan chui vào bộ lông gà mẹ nhưng cũng có chú hiếu động không chịu ngủ trong bộ cánh của mẹ, thơ thẩn trong vườn. Đến một lúc nào đó chú gà ráo rác tìm mẹ, miệng không ngớt chíp chíp gọi mẹ ơi! Đúng như người ta thường ví… “Gà con lạc mẹ”.

CON GÀ TRÊN NÓC NHÀ THỜ THIÊN CHÚA GIÁO

Trong kinh Tân Ước, Chúa Giê-su đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phêrô: "Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". Lời tiên tri đó đã trở thành sự thật và điều này khiến gà trống trở thành biểu tượng của sự cảnh giác và sự phản bội.

Chúa Giê-su cũng so sánh mình với gà mái mẹ khi nói về Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng hứng.”

Vào thế kỷ thứ 6, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Đến thế kỷ thứ 9, Giáo hoàng Nicôla I ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các gác chuông nhà thờ. Tại Việt Nam, cụm từ “Nhà thờ Con gà” đã trở thành phổ biến, không riêng gì Đà Lạt có Nhà thờ Con gà mà Đà Nẵng cũng có nhà thờ chính tòa với biểu tượng con gà trống trên tháp chuông.

Bức tranh biếm họa bộ mặt xã hội VN ngày nay
của hoạ sĩ Vạn Th

Âu châu hầu hết trên ngọn tháp cao của nhà thờ ngoài Thánh gía,người thường thấy còn có tượng chú gà trống tạc đúc bằng đồng hay sắt thép.

Tượng Chú gà trống trên nóc tháp nhà thờ mang ba ý nghĩa:

1. Chú gà trống thường cất tiếng gáy vào khoảng từ hai giờ đến sáu giờ sáng. Ngày xưa khi chưa có đồng hồ báo chỉ giờ, nhất là ở miền thôn quê, người dân nghe tiếng gà gáy biết tới giờ canh thức.

Tượng chú gà trống trên mái tháp nhà thờ là biểu tượng „người báo tin“ đêm đã qua, ngày sáng mới đang tới. Ðây cũng là hình ảnh báo tin Chúa Giêsu Kitô trở lại, nên mọi người hãy tỉnh thức đón chờ Người.

2. Tượng chú gà đó báo thời tiết. Chú là người đầu tiên tiếp cận ánh sáng mặt trời khi đêm đen tối đã qua và mặt trời ló dạng xuất hiện.

Vì thế chú mang biểu tượng „người báo tin“ sự chiến thắng sống lại của Chúa Giêsu Kitô từ trong bóng tối tội lỗi đi vào ánh sáng.

3. Chú gà trống đó còn là hình ảnh „ người nhắc bảo“. Ngày xưa trong sân xử án Chúa Giêsu, chú gà trống đã gáy lúc canh ba, tiếng gà gáy đã thức tỉnh lương tâm, vâng, lòng tin của Ông Thánh Phero ( Mt 26, 34.75.).

Nghe tiếng gà gáy Ông nhớ lại Lời Chúa đã nói với Ông: „ trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần lần!“. Tiêng gà gáy thức tỉnh Ông ăn năn hối lỗi, trở về cùng Chúa, về cùng niềm tin.

Ngày nay, tiếng gáy của chú gà trống không còn được căn cứ để biết giờ giấc đánh thức như xưa nữa. Hình tượng chú vẫn là hình ảnh đẹp không chỉ về nghệ thuật, vẻ oai nghi dũng mãnh của chú, mà tiếng gà gáy của„ người báo tin - người đánh thức nhắc nhở “ trong đời sống đức tin và tình người vẫn luôn cần thiết.

CON GÀ TRONG VĂN MINH NÔNG NGHIỆP

Gà là một loai gia cầm thuộc nền văn minh nông nghiệp. Có nhiều bằng chứng cho thấy quê hương nguyên thủy của cây lúa nước là ở chung quanh vùng Đông Dương - Mã Lai - Miến Điện (chứ không phải Trung Hoa, nơi mà bằng chứng về cây lúa lâu đời nhất chỉ 5.900 đến 7.000 năm về trước, thường thấy ở các vùng xung quanh sông Dương Tử). Văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15.000 năm trước công lịch. Vài ngàn năm trước Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã đưa cây lúa đến vùng Đông Á và Tây Á, những nơi mà cư dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch. Nhận xét này cũng hợp lý bởi vì với khí hậu nhiệt đới Đông Nam Á là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.

CON GÀ THUẦN VIỆT TRONG 12 CON GIÁP

Như vậy có thể suy luận rằng trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, vùng Đông Nam Á đã hình thành một nền văn hóa lúa nước, và cư dân cổ ở đây (dân Bách Việt) đã phát triển một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trong đó có cả văn minh châu thổ sông Hồng, hay văn minh Đông Sơn. Nghề trồng lúa nước (một ngành nghề đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước) đã dẫn người cư dân cổ Đông Nam Á sáng tạo ra lịch dùng 12 con vật gần gũi với nền văn minh lúa nước làm biểu tượng. Do đó, có khả năng lịch 12 con giáp có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chứ không phải từ Trung Hoa. Có thể qua giao lưu văn hóa, người Trung Hoa cổ đã vay mượn lịch Đông Nam Á và cải tiến lại. Do đó, 12 con vật trong lịch của Ta không giống với 12 con vật trong lịch của Trung Hoa (thử, ngưu, hổ, miêu, long, xà, mã, dương, hầu, kê, khuyển, trư). Nhận xét trên có cơ sở. Qua phân tích mối tương quan di truyền giữa các sắc dân trên thế giới, giới khoa học có thể khẳng định rằng con người hiện đại di dân ra khỏi Phi châu và đến Á châu vào khoảng 100.000 năm trước đây. Trong đợt di dân đầu tiên họ đến vùng Trung Đông, nhưng không thể định cư được vì thời tiết khắc nghiệt, sau đó có thể họ phải làm thêm một hành trình thứ hai từ Trung Đông đến tận vùng Đông Nam Á châu và định cư tại đây. Từ Đông Nam Á họ lại di cư một lần nữa: nhóm một đi về hướng nam ra Úc châu và Tân Guinea; nhóm hai đi về hướng bắc đến Trung Hoa và Nhật Bản, và cuộc di dân này xảy ra vào khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này cũng phù hợp với các dữ kiện di truyền gần đây cho thấy người Trung Hoa ngày nay, nhất là người Trung Hoa ở phía nam Trung Hoa rất gần và có tổ tiên ở vùng Đông Nam Á châu.

GÀ TRONG VĂN THƠ:

Gà là gia cầm được nuôi phổ biến từ xưa, cung cấp thịt, trứng, lông ... nên ca dao cũng rất thân thuộc với hình ảnh loài vật rất dễ mến này. Đặc biệt về ầm thực, gà đi liền với một loại gia vị đặc biệt là lá chanh (phải là chanh miền Bắc hay chanh Đà Lạt mới có thể dùng lá được, vì cây chanh miền Nam lá đắng không thể trộn thịt gà): “Thịt vịt lá na, thịt gà lá chanh”, hay là:

Cùi dừa kẹo với bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh

Hay:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng

Nhiều vùng có món đặc sản gà cũng được đưa vào ca dao:

Thịt gà nhứt vị làng Sông
Phao câu ba lá nó trồng tốt tươi
Cái da vàng ưởi vàng ươi
Cái thịt nó xé mềm tơi nhũn nhùn.

Để có được giống gà tốt, ăn ngon, cho trứng nhiều , người chăn nuôi cần tích lũy kinh nghiệm:

Nuôi gà phải chọn giống gà
Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau.
Gà nâu chân thấp chắc mình
Đẻ nhiều, trứng lớn, con vừa khéo nuôi.
Chả nên nuôi giống pha mùi
Đẻ không được mấy, con nuôi vụng về.

Ca dao rất giỏi việc liên tưởng những sự vật cụ thể với các tư tưởng, tình cảm trừu tượng, đặc biệt là vấn đề thế thái nhân tình, thì hình ảnh con gà cũng được đem ra ví von với nhiều chuyện. Thứ nhất, con gà trống có bộ lông mượt mà, sặc sỡ, dáng dấp kiêu hãnh được so sánh với bộ vó bên ngoài của con người:

Con gà tốt mã vì lông
Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men.
Kế đến, thịt gà là món ăn khá thịnh soạn, nhất là thuở xưa khi nguồn chất đạm còn ít ỏi, nên người có điều kiện ăn gà vịt thường xuyên được bạn bè, người bạn ân cần nhắc nhở rằng khi khá giả chớ quên lúc hàn vi:

Ăn tiêu nhớ đến mùi hành
Bạn có ăn nem gà, chả vịt cũng nhớ rau canh thuở nào
Gà ăn ngon, nên ăn được gà, được xem là... người khôn:
Người khôn ăn miếng thịt gà
Tuy rằng ăn ít, nhưng mà no lâu
Người dại ăn trái bồ nâu
Ăn no bỉnh bầu, chẳng biết mùi ngon.

Khôn kiểu này dễ ợt, chắc ai cũng biết, nhưng nếu chỉ sống như cái “bị thịt” chỉ toàn ăn và ăn thì cũng không ai khen:

Anh rằng ngon nhất phao câu
Miếng võ cũng chẳng bằng đâu miếng lườn.
Câu này chê cười chàng trai ở một làng có truyền thống thượng võ nhưng mê ăn , lười luyện tập. Nói về những đôi lứa so le như dôi đũa lệch, con gà cũng được đem ra so sánh: “Gà tơ xào với mướp già” dưới đây người ta không khỏi buồn lòng khi “gà tơ” lại đem xào với “mướp già” trong một cuộc hôn nhân không cân xứng:

Gà tơ xào với mướp già
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi
Ra đường, chị diễu em cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
Sụt sùi tủi phận hờn duyên
Oán cha trách mẹ tham tiền bán con

Con gà gáy sáng chắc không ngờ mình bị các cặp vợ chồng trẻ giận bầm gan tím ruột bởi đã phá ngang giấc mộng vàng:

Ước gì anh đặng vô phòng
Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan
Ngặt con gà quá đỗi vô doan
Mới vừa nằm xuống, nó đã lon ton gáy dồn

Còn với các nàng đang tương tư, thì nấu gà vịt, rau củ đều ... hư ráo vì quên nêm gia vị khi đang “cảm mạo thương chàng”:

Cái trách nấu bí đao, cái xào thịt vịt
Cái ram thịt heo, cái rim thịt gà.
Cái kho cà đu đủ, cái kho củ môn tây
Em thương anh bóng trăng xây
Xửng chờ, trách đợi, chín trách này quên nêm.

Lúc ấy nàng không cần thịt gà, không cần mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần tình yêu chân thật cho dù lễ cưới có đơn sơ đạm bạc:

Người ta thách lợn thách gà,
Em đây chỉ thách một nhà khoai lang.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, thì chính nàng không sợ hao tốn mà sẵn sàng mua... rượu ngoại, gà đầy mâm để mong được tròn duyên:

Em vái ông Tơ vài ve rượu chát
Em cầu bà Nguyệt năm bảy con gà
Xin cho đôi lứa hiệp hòa
Rồi sau em xin trả lễ, đặng mà đền ơn.

Trong thi ca cũng nhắc đến tình yêu, mái tóc đuôi gà cũng đã gợi được một phần luyến ái hay mượn gà để tỏ tình 

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lún đồng tiền
Bốn thương răng nhánh, hạt huyền kém thua
Thương em anh để trong lòng
Việc quan anh cứ phép công anh làm
Thương em không dám vô nhà
Đi qua đi lại hỏi có gà bán không
 

Mái tóc đẹp thướt tha, duyên dáng nên người xưa từng bới tóc theo kiểu đẹp riêng, như ngày nay các bà uốn, chải tóc nhiều kiểu cho phù hợp với khuông trăng đầy đặng. Có người chọn tóc đuôi gà mày lá liễu, không kém phần hấp dẫn tạo thành duyên nợ, vì cái đuôi gà ấy mà phải xin địa chỉ cô nàng chăng ? 

Cô kia bới tóc đuôi gà
Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu
 

Trong sinh hoạt gia đình, xã hội nếu không cùng chung sống trong yêu thương, hòa bình, mà lòng người cứ mang mãi hận thù, đời thêm khổ đau vết thương không bao giờ hàn gắn lại được. 

Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau
Gà què ăn quẩn cối xay
Hát đi hát lại tối ngày một câu
 

THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VỀ GÀ

Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa: Mùa gió gà hay toi, trời mưa chó xấu mã. Bán như thế thì bất lợi.
Chó già, gà non: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm, ăn mới ngon.
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa: kinh nghiệm về thời tiết.
Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm: khi không có người chỉ huy, kẻ xấu làm bậy
Con gà tốt mã vì lông: Người ta dễ bị thu hút bởi cái vẻ bên ngoài
Con gà tức nhau tiếng gáy: Tính ganh đua, không chịu kém người khác
Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ: Những thứ người ta ưa chuộng vì ngon vì đẹp.
Cơm gà, cá gỏi: Khen bữa ăn ngon và sang trọng.
Đá gà, đá vịt: Làm ăn qua loa.
Đầu gà, má lợn: Miếng ăn ngon.
Đầu gà còn hơn đuôi phượng: Đứng đầu một nơi còn hơn làm tớ kẻ khác.
Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng: Cậy thế bắt nạt người khác.
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau: Khuyên đoàn kết, gắn bó với nhau.
Gà mái gáy gở (không biết gáy): Chê phụ nữ can thiệp vào việc đàn ông
Gà nhà lại bới bếp nhà: Chê cùng phe cánh lại phá hoại lẫn nhau.
Gà què ăn quẩn cối xay: Chê những người không có ý chí.
Hạc lập kê quần (con hạc giữa bầy gà): Người tài giỏi ở chung với kẻ dốt.
Hóc xương gà, sa cành khế: Chỉ những điều nguy hiểm cần tránh
Học như gà đá vách: Chê những người học kém
Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt: Thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà.
Lép bép như gà mổ tép: Chê người ngồi lê mách lẻo.
Lờ đờ như gà ban hôm: Quáng gà, chê người chậm chạp, không hoạt bát.
Lúng túng như gà mắc tóc: Chê người thiếu bình tĩnh, bối rối.
Mẹ gà, con vịt: Cảnh của những trẻ em sớm mồ côi mẹ, phải sống với dì ngẻ.
Mèo gả, gà đồng: Chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy.
Một tiền gà, ba tiền thóc: ý nói món lợi thu về không bằng công sức bỏ ra.
Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa (mỡ gà vàng, mỡ chó trắng): Kinh nghiệm dân gian dựa vào màu mây đoán mưa gió.
Ráng mỡ gà, có nhà thì chống: Kinh nghiệm chỉ hiện tượng có bão.
Ngẩn ngơ như chú bán gà, tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng: Chê người đần độn, không biết tính toán.
Ngủ gà, ngủ vịt: Ngủ lơ mơ, không thành giấc.
Ngun ngủn như gà cụt đuôi: Nói một cái gì đó ngắn ngủi đến khó coi.
Nháo nhác như gà lạc mẹ: Tả vẻ xao xác, đi tìm một cách lo lắng.
Nhìn gà hoá cuốc: Chê người không nhìn rõ sự thật, lẫn lộn phải trái.
Phù thuỷ đền gà: Làm không nên việc, phải đền lại phí tổn cho người ta.
Quạ theo gà con: Nói kẻ xấu rình cơ hội để hại người.
Thóc đâu mà đãi gà rừng: Chỉ hành vi lãng phí hoặc quá tiết kiệm.
Tiếc con gà quạ tha: Chê người tiếc cái không đáng tiếc.
Tiền trao ra, gà bắt lấy: Sòng phẳng.
Trấu trong nhà để gà ai bới: Việc trong nhà lại để cho người can thiệp.
Trói gà không chặt: Chê kẻ hèn yếu, không làm được việc gì nên thân.
Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến: Than phiền hết tai hoạ nọ đến tai hoạ kia.
Vịt già, gà to: ý nói vịt già còn ăn được, chứ thịt gà già vừa dai vừa dở.

GÀ TRONG ÂM NHẠC




GÀ TRONG VĂN HÓA CỔ

Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp. Trên Trống đồng, gà và chim (cùng giống) là những loài vật được thể hiện khá nhiều. Chim đứng trên mái nhà hình thuyền giống chim công, gà và đa số đứng dưới đất là loài chim nước: cò, bồ lông, xít,...

Trong huyền sử Việt Nam, có truyền thuyết cho rằng thời vua An Dương Vương Thục Phán nước Âu Lạc, nhà vua cố công xây thành ở đất Việt Thường, nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy Thục Phán cầu trời thì được một con rùa (thần Kim Quy) đến giúp. Rùa thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Bên cạnh núi có một quán trọ, mà chủ quán là Ngộ Không có một cô con gái và một con gà trống trắng vốn là dư khí của quỷ tinh biến thành để ám hại dân làng. Đến khi nhà vua giả dạng thường dân ghé lại quán nghỉ qua đêm, và với sự giúp đỡ của rùa thần, nhà vua xua đuổi ma quỷ đến tận chân núi Thất Diệu. Quay về quán; nhà vua bảo Ngộ Không nên giết con gà trắng, và khi con gà chết, lập tức người con gái cũng quay ra chết. Sau đó chỉ nửa tháng thành quách xây xong.

Tại VN, tới đời Trần, “đá gà” đã trở thành một trong những phong lưu, chẳng những tại đồng quê, mà còn thịnh hành ở chốn thị thành, làm say mê tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, từ dân gian vào tới cửa Hoàng thân Quốc thích. Sự nghiêm trọng đến nổi, Hưng Đạo Đại Vương-Trần Quốc Tuấn, đã phải viết “Du Chư Ty Tướng Hịch Văn “, vào cuối năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Thiên Bảo thứ 6, đời vua Trần Nhân Tông. Bài hịch kêu gọi, tướng sĩ ba quân, đừng vì ham mê đá gà, mà làm xao lãng, cũng như mất tình đoàn kết giữa toàn dân, toàn quân, trong lúc cả nước đang chống giặc ngoại xâm Mông Cổ:

“Hoặc đấu kê dĩ vi lạc
hoặc đổ bác dĩ vi ngu
Thoát hữu Mông Thát chi khấu lai
Hùng kê chi cư bất túc dĩ xuyên lỗ giáp.”


Tóm lại, ngài nói “khi giặc Mông tràn tới, thì cựa gà nòi không thể đâm thủng áo giáp của giặc”,Ai cũng biết, đá gà là thú vui tao nhã, được người xưa xếp vào một trong những phong lưu đồng ruông, Nhưng cũng tại lòng tham của con người, nên thay vì thưởng thức thú vui, với tinh thần thượng võ, lại đã coi đây như một cơ hội sát phạt nhau, không khác gì những ván bài, canh bạc, khiến cho nhiều người vì mê gà, mà tan hoang sản nghiệp, thậm chí phải thân bại danh liệt. Những nhân vật lịch sử xưa nay như Vương Bột, Trịnh Khải, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Miên Tăng, Nguyễn Cao Kỳ.. là những điển hình, vì mê đá gà mà tự chuốc hoạ cho bản thân mình. Hai gà đá nhau, từ chết đến bị thương. Rốt cục chỉ có chủ gà là hưởng lợi, vì vậy người xưa mới có thơ:

“Tứ túc chỉ địa,
Nhị vi chỉ thiên
Lưỡng thủ tranh quyền
Bất phân thắng bại.”

XEM TƯỚNG GÀ CHỌI
Gà đá (chọi) thuộc loại gà nhà, còn gọi là gà nòi, vì là giống tốt, chỉ nuôi để đá. Ở VN, hầu như địa phương nào cũng mê đá gà, nhất là vào những dịp lễ Tết. Do trên thú đá gà đã trở thành nét sinh hoat văn hóa, của người VN. Qua thời gian dài, khắp nước đã có rất nhiều giống gà đá tốt nhưng nổi tiếng nhất vẵn là Gà Đá Văn Cú, Đình Bảng, Thổ Tang, Yên Phụ (Hà Bắc), Tây Phương (Hà Tây), Nghĩa Đô, Nghi Taàm (Hà Nội) ở Bắc Phần và Gà Đá Cao Lãnh,Bà Điểm (Hóc Môn), Bà Rịa ở NamViệt. Riêng miền Trung, thì gà An Cựu (Huế),là nổi tiếng hơn cả. Gà nòi được chia thành nhiều loại như Gà Đòn, là loài gà không có cựa hay cựa mọc không dài. Gà này có nguồn gốc từ Cao Mên, có tên là Gà Tà-Lóc, được Việt Kiều Kampuchia nuôi rất nhiều, để đá với gà nòi của các tỉnh miền tây như Kiến Phong, Phong Dinh, An Giang. Gà Đòn lớn con, chân to, đá rất hăng và dai sức, đáng đòn, nên còn được gọi tên gà “Cù Lự”. Gà Cựa, loại gà đá bằng cựa dài, được chủ gọt đẽo cho nhọn bén hay cột thêm một lưỡi dao nhỏ vào hai cựa, để nó sát hại địch thủ, thêm mau chóng dễ dàng. Loại gà này không cần phải giống tốt.

Tuyển chọn gà kê giống đá hay.
Không gì bằng độc dấu đá hay
Mình thuyền gối thắt lưng xuôi mái
Cổ ngẩng chân cong mỏ lại ngay (thẳng)
Tiếng gáy nghẹn ngào mà giọng gắt
Bước đi ngón chúm ít gà tày
Tự nhiên đầu lắt, hay né giỏ
Cáp độ ra trường ắt thắng ngay

Hay:

Nhất thời chân chúm vãi ra
Nhì thời lắc mặt, thứ ba né lồng

Đá gà ở nước ta đã có từ thời Lý - Trần, nhưng có lẽ thịnh hành nhất là thời Nguyễn Lữ (một trong 3 anh em nhà Tây Sơn). Theo truyền thuyết, ông rất đam mê môn đá gà, và ông đã tuyển được giống gà đá nổi tiếng- (theo một số người chơi gà đá ở Bình Định thì giống này còn lưu truyền lại đến ngày nay). Có lẽ từ lòng đam mê, với cách quan sát của một võ tướng từ các thế đá của nhiều loại gà khác nhau, nên ông đã sáng tạo ra bài võ: “Hùng kê quyền” nổi tiếng xưa nay. Tức là dùng đòn thế hiểm của gà đá mà có thể lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, nhỏ con thắng người to khỏe.

Ngày nay, giới chơi đá gà thường tổ chức trường đá hẳn hoi. Trình độ chơi và nghệ thuật chơi cũng được nâng cao hơn. Vi đá được quây cố định, trên có mái che, tròn xung quanh có băng ghế cao dần từ trong ra ngoài để cho khách ngồi xem. Riêng ở Quy Nhơn, Bình Định cũng có 2 trường gà, thường mở cửa thứ 7, chủ nhật, hay trong dịp lễ tết… Cách chơi là: Sau khi 2 chủ kê (chủ gà) thoả thuận, gà được bịt mỏ, bịt cựa (để khỏi nguy hiểm chết gà) rồi thả vào vi đá. Trận đấu bắt đầu cũng là lúc cổ động viên hưởng ứng. Lực lượng cổ động viên 2 bên “bắt giá” nhau. Thường con đá hay được bắt giá trên, con đá kém hơn bắt giá dưới, mấy “chai” ăn mấy “chai” (chai bia). Sau một vài “hồ” (mỗi hồ là 20 phút, nghỉ 5 phút) xem thế trận nghiêng bên nào. Lúc này cổ động viên thường theo đuổi phía mình cá cược, nhưng cũng có người bỏ phía con gà mình ủng hộ “lội” sang bên kia để tiếp tục cá cược. Đến khi trận thế thay đổi “thợ câu” (người chèo kéo) treo giá, nhử để người chơi từ bỏ hay giữ lập trường theo đuổi con gà mình thích. Khi đấu thủ lâm thế có thể từ giá dưới người cuc nhảy lên giá trên. Cứ như vậy trận đá gà cứ sôi lên thành hội vui chơi thoả thuê.

Nếu chỉ cá cuc mang tính vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật đó là điều đáng quý và nên phát huy, ngược lại có kẻ lợi dụng trò chơi đá gà để ăn thua, cờ bạc, sát phạt lẫn nhau là điều đáng lên án và phải triệt để ngăn chặn.

Cách nhận biết Linh Kê Quý Kê :
- Thư hùng kê: Gà có một chân đen một chân trắng, hay một chân vàng một chân xanh rất dễ nhìn ra để có thể nhận biết được.
Thư hùng kê
Thư hùng kê gà chân 2 màu

- Lão kê thần đồng: gà có cái đầu xem rất già, trái lại thân còn tơ ( bạn cận phải chú ý một chút mới có thể nhận ra được ).

Lão kê thần đồng\
Lão kê thần đông tướng già nhưng sức khỏe dẻo dai

- Lục đinh: Gà có sáu cựa tất cả.
- Độc long: Từ trứng sinh ra, gà chỉ có một mắt.
- Song sinh: Từ trứng nở ra hai con gà trống, gà này khi ra trường đá, chú ý cần mang cả hai anh em, dù chỉ một con đá, còn một con đứng ở ngoài, cất tiếng gáy trợ lực, dứt độ trong chớp nhoáng.
- Hắc thiệt: Gà có lưỡi đen, hoặc có bớt đen hay xanh.
- Lưỡng thiệt: Gà có lưỡi chẻ đôi.
- Gà ma: Gà này biết lượng sức, nếu nó chịu đá là chỉ có thắng trăm phần trăm, bằng không, dù một cẳng nó cũng không đá. Nó chẳng có gì đặc biệt ngoài cái tánh đó thế cho nên khi đem gà đi thi đâu bạn cần phải hết sức để ý đến gà để có thể nhận biết được.
- Trữ thực tả: Gà có bầu diều nằm bên trái.

Trữ thực tả
Trữ thực tả gà có bầu diều bên trái

- Gà túc: Đụng đến gà này, nó kêu túc túc rất giòn tai, đang đá đến giờ vô nước, nó vẫn kêu túc túc, còn gọi là gà kêu con.
- Gà ngọc: Ban đêm nó gáy, thấy trong miệng có ánh sáng đây là loại gà rất quý hiếm và được rất nhiều ưa thích.
- Tử mỵ: Ban đêm ngủ như chết, đầu đặt sát đất.

Tự mị
Tự mị gà có dáng ngủ xấu nhất

- Tử mỵ trường: Gà này ra trường thụt đầu thụt cổ, khép tướng, tựa như gà cú rủ, nước da tái nhợt làm cho đối thủ không phòng và ra các đòn hiểm.
- Mỵ khất: Đêm, gà ngủ tướng rất thảm thiết, đáng thương, bỏ đầu vào cánh lại rớt ra, chống mỏ xuống đất gà có tưởng ngủ xấu nhất trong các loại linh kê quý kê.
- Gà cúp: Gà không có phao câu, cũng chẳng có lông đuôi.

gà cúp
Gà Cúp
- Đoản thiệt: Lưỡi gà bị thụt vào sâu không nhìn thấy, hoặc lưỡi bị cắt ngang, còn gọi là gà lưỡi rùa, miệng có mùi hôi thối.
Đoạn thiệt
Gà có đặc điểm lưỡi bị thụt
- Lưỡng hậu: Gà có hai phao câu, hoặc hai bình dầu đây thực sự là gà có đặc biết khác biệt nhất.
Lương hậu
Gà có hai bộ phận cơ quan sinh dục

- Phản vỹ: Lông đuôi có ba sợi quăn như tóc uốn(lông tơ).
- Lông voi: Lông đuôi hoặc cánh có một cái cứng như lông nhím.

Lông voi
Gà lông voi

- Giáp cần: Gà có một vảy lớn trên cần cổ.
Giáp cần
Có lớp vẩy trên cổ

- Địa giáp: Gà có một vảy lớn dưới chậu.
Địa giáp
Vảy lớn dưới chân

- Thế kê:  Gọi là gà thế, đầu gà được chia rõ với cần cổ.
- Gà ô chân trắng cựa đen: hoặc gà ô chân vàng cựa đen, mỏ đen đây là loại gà mà ai cũng thích như câu tục ngữ "gà ô chân trắng mẹ mắng cũng mua gà ô chân mua chi giống ấy".
- Cuồng kê: Gà có đôi mắt lửa, tròng đen là xanh, đôi mắt đổi màu tùy lúc.
- Móng rồng: Đôi ngón nội cong vòng vào giữa, còn gọi là bán nguyệt nội, nếu được vảy xếp xô lên, cạnh sắc bén từ ngón đến quản thì càng tốt, gọi là vảy rồng.
- Lắc mặt: Lúc nào đầu gà cũng lắc, cũng rảy.
- Né lồng:  Gà hay né tất cả đồ vật khi đi ngang. Điển hình là nhốt gà trong bội thì gà né bội cũng là loại có thân pháp mau lẹ khi mang đi đấu.
- Bốc muối (hốt cát): Khi đi, đôi chân đưa cao, toàn thể ngón chân nắm chặt lại.
- Gà nhím: Gà ngủ, toàn thể bộ lông dựng đứng như lông nhím.
- Gà cò: Gà ngủ đứng bằng một chân.
- Quái kê: Gà ngủ một mắt nhắm một mắt mở.
- Gà nước ròng: Gà này chỉ trổ tài vào giờ nước sông lớn.
- Gà sinh thế: Khi giáp chiến, gà này tự nó sinh ra những thế đá độc địa, dùng thế này không xong, trổ thế khác, cứ như vậy, nó ra nhiều thế khác nhau, cho đến khi nào địch thủ bỏ chạy hoặc chết, gà này khó thua.
Đó là một đặc điểm nhận dạng gà mà không phải ai cũng biết và có thể nhận biết ra được.

TRỊNH KHẢI HAM ĐÁ GÀ, SUÝT MẤT NGÔI CHÚA
Cũng thời Lê Trung Hưng-Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, “đá gà “đả trở thành thú vui tiêu khiển của hàng vương tôn quyền quý, trong đó có các hoạn quan. Đây cũng là một đề tài, để cho Trạng Quỳnh đương thời, lấy đó đem ra nhạo báng, những cái hư rởm của bọn ăn không ngồi rồi, chẳng biết làm gì, vì cái ăn cái mặc, đả có những người cùng đinh khố rách khổ cực lo liệu.

Theo sử liệu, khi chưa lên làm chúa,Đoan Nam Vương Trịnh Khải rất ham mê đá gà. Do trên Khải bị cha là Chúa Trịnh Bồng rất ghét. Bởi vậy, dù là con trưởng, đã được phong thế tử, nhưng Khải đã bị hạ bệ và Bồng đưa con trai thứ tên Trịnh Cán, con của ái thiếp Đặng thị Huệ. Tuy nhiên nhờ khôn ngoan, lại có nhiều vây cánh, nên Khải đóng kịch tiếp tục mê đá gà, che mắt đối phương và cha già. Vì vậy đã chiếm được ngôi chúa (1783-1786).

GIAI THOẠI ĐÁ GÀ THỜI NHÀ NGUYỄN:

Thời nhà Nguyễn, một hoàng thân rất say mê đá gà, bị dư luận tôn lên làm “vua đá gà “, nên quá sợ sinh bệnh và chết rất trẻ. Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), là một danh tướng của VN dưới thời nhà Nguyễn, ông rất được dân chúng miền Nam kính trọng. Sau khi qua đời, ông được an giấc ngàn thu tại Sài Gòn, ngay ngã tư Bảy Hiền. Nơi này hương khói không dứt, dù là ngày thường hay trong dịp lễ Tết, qua danh xưng Lăng Ông Bà Chiểu.
Tuy là một nhân vật lịch sử nhưng ông cũng rất mê đá gà, ngay từ khi còn thơ ấu. Đến lúc trở thành khai quốc công thần, trấn thủ Gia Định Thành, quyền hạn gần giống như một Phiên Vương. Theo các tài liệu còn lưu trữ, thì Tả Quân ngày thường cũng như vào dịp Tết, có hai thú vui là Xem Hát Bội và Đá Gà.
Khi làm Tổng Trấn, Tả Quân cho xây Trường Gà gọi là Nhà Hoa và Trường Hát Bội, cũng gọi là Nhà Hát. Những nơi này đều nằm ngoài thành, hiện là khu vực của Bộ Tư Pháp, Dinh Độc Lập và Trường Trung Học J.J.Rousseau. Có lẽ thời Tả Quân cai trị, Gia Đinh cũng như Lục Tỉnh, là thời vàng son của Các Tay Đá Gà và Các Nghệ Sĩ Hát Bội.
Vẫn theo truyền thuyết, Tả Quân có lần vì mê đá gà, nên khi đi chầu bị bê trễ. Tuy vậy là một công thần dày công hãn mã, chinh nam, phạt bắc, bốn lần tới Quảng Ngãi dẹp yên mọi đá vách, nên ông chỉ bị Vua Gia Long quở trách, mà không phải chịu trừng phạt nặng nề.
Cũng vào thời Nhà Nguyễn, có Hải Ninh Quận Công tên Nguyễn Miên Tăng, hoàng tử thứ 42 của Vua Minh Mạng. Không giống như các con cái khác của nhà vua, Tăng được sử liệu phê phán là một người hư hỏng, chơi bời lêu lỏng, ham mê hát bội và thú đen đỏ, trong đó có Đ1a Gà. Do trên, gia tài bị khánh kiệt, bán cả nhà cửa, đến nỗi phải xuống ở nhờ, tại một chiếc đò, trên sông Hương, chỉ dùng để nuôi heo.
Cuối năm 1896, đời vua Đồng Khanh, Tăng tới xem đá gà tại một trường đá ở ngoại thành Huế. Mặc dù chỉ xem chùa, nhưng ông ta rất thích một con gà chọi rất oai phong, vì vậy không tiếc lời hoan hổ, cổ võ. Thế nhưng vào giờ chót, con gà ấy lại bị thua ngược. Quá uất ức, từ sự việc này khi liên tưởng đến cuộc đời bị thua ngược của mình, nên Nguyễn Miên Tăng bị máu trào lên tới cổ và té chết bất đác kỳ tử, ngay nơi sân của đấu trường. Vì suốt đời ham mê cờ bạc, chơi bời xa xỉ, nên khi nhắm mắt không còn một xu dính tuí. Khiến cho thân quyến cũng quá nghèo, khi chôn cất, phải đặt thợ mã, một bộ quần áo giấy “Quận Công“, để tẩn liệm.
Cũng liên quan tới chuyện đá gà ở Huế ngày xưa, mà làng An Cựu được coi như thủ phủ của các trận đấu gà, nhất là vào những dịp xuân về, thu hút hầu hết vương tôn công tử tại đất thần kinh và vùng lân cận. Cũng nơi này, đã xuất hiện một bài thơ, liên quan tới “Đá Gà” của tác giả vô danh. Do ý thơ ngoài thanh trong tục, nhiều người cho là của Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên tra cứu tất cả những tác phẩm xưa nay viềt về nữ sĩ này, không thấy một ai đề cập tới, hơn nữa sở trường của bà là thơ Đường luật, thất ngôn bát cú, còn bài thơ này, thì làm theo thể lục bát

Thơ rằng:

“Vui xuân nhằm tiết tháng ba,
ông bà cao hứng bắt gà đá chơi
gà ông cất cổ gáy hơi
gà bà thủ bộ đợi thời gà ông
gà ông chém trúng cạnh mồng
gà bà nổi giận ngậm cần gà ông
đá nhau một chập ướt lông
gà bà trúng cựa, gà ông gục cần.”
GÀ TRONG SẤM TRẠNG TRÌNH
Để kết thúc bài biên khảo về gà, người viết mượn mấy câu sấm trạng Trình để làm món quà đầu xuân Đinh Dậu gởi đến đồng bào và quê hương VN.
Gà qua Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙) hiệu Bạch Vân am cư sĩ (白雲庵居士). Trạng Trình am tường Thái Ất Thần Kinh, tinh thông lý học. Nguyễn Thiếp, một danh sĩ thời Lê, đã nhận định Trạng Trình nắm được huyển cơ của tạo hóa. Trạng Trình thất lộc ngày 28/11 năm Ất Dậu, thọ 95 tuổi.

Sấm Ký Trạng Trình có nhiều dị bản, lưu giữ ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Française d’Extrême-Orient). Vào năm 1939, Sở Cuồng Lê Dư có công sưu tầm Sấm Ký Trạng Trình, Mai Lĩnh xuất bản. Từ câu 398 đến 401 có bốn câu thơ chữ hán nói về năm Dậu như sau:

Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
龍 尾 蛇 頭 起 戰 爭
Can qua xứ xứ động đao binh
杆 戈 處 處 動 刀 兵
Mã đề dương cước anh hùng tận
馬 啼 羊 腳 英 雄 盡
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
申 酉 年 來 見 太 平

Dịch ý như sau:

Rồng bay rắn lượn lửa binh đao
Máu đỏ hôi tanh nhuộm chiến hào
Ngựa dê hùng anh người đâu tá
Thân dậu khắp nơi sẽ thở phào.

Bất cứ người Việt nào hằng mong quê hương sớm thoát khỏi điêu linh, thống khổ, trước nạn độc tài toàn trị của cộng sản VN và ước muốn có một chính quyền có đủ khả năng bảo đảm cho người dân no cơm ấm áo, tổ quốc được tự do, độc lập, không bị đế quốc bắc phương thống trị, đều tin tưởng vào lời sấm của cụ Trạng sẽ linh thiêng ứng nghiệm vào năm Đinh Dậu 2017, Việt tộc thấy được thái bình thịnh trị vì theo lời sấm "Thân Dậu niên lai kiến thái bình".

Người viết xin được cám ơn các tác giả của các bức hình về gà có trong bài viết này.
Nguyễn thị Hồng, 2/1/2017

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen

   HAI CÔNG VĂN CỦA NHÀ NƯỚC CHXHCNVN  BAN HÀNH V Ề S Ư MINH TUỆ    - MANG HAI NỘI DUNG KHÁC BIỆT Nhằm để đối phó với hào quang quang của sư...