CÔ GIANG MỘT ANH THƯ KIỆT XUẤT CỦA
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
(Kỷ niệm lần thứ 89. mùa tang Yên Báy)
Trong cuộc tổng nổi dậy do Việt nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo vào ngày 10.2.1930, đã làm rung chuyễn bạo quyền thực dân thời bấy giờ. Cuộc cách mạng được sự ũng hộ của đồng bào VN từ bắc chí nam và thu hút được nhiều giới trẻ tham gia. Trong hàng ngũ cách mạng đầu thế kỷ 20 nầy, người ta thấy có hai chị em Cô Bắc Cô Giang, là những đảng viên đóng vai trò hết sức quan trong bên cạnh đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Cuộc cách mạng tuy không thành công nhưng tất cả những đảng viên đã hy sinh trong cuộc cách mạng đó đã để lại một dấu ấn hào hùng cho Việt tộc trong việc cứu nước, làm rạng danh hào khí của lớp người trẻ sĩ phu vào thập niên 1930, và họ đã viết lên một trang sử đẹp cho Việt tộc trong việc chống ngoại xâm.
Nguyễn Thị Giang sinh năm 1906 tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Bà là con của ông Nguyễn Văn Cao và bà Nguyễn Thị Lưu, là em ruột Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc. Cô Giang quê ở một làng dệt thuộc tỉnh Hà Đông, vì thân phụ tham gia phong trào văn thân nên phải dời lên buôn bán tại số 2 phố Thọ Xương, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị ruột là Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (tức Xứ Nhu) dìu dắt rồi kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc. Với tuổi đời còn rất trẻ, nối tiếp truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam, hai chị em đã hòa mình vào phong trào đấu tranh không quản khó khăn nguy hiểm.
Cô Giang tên thường gọi của Nguyễn Thị Giang, sinh ra trong một gia đình có ba người con gái, cả ba người đều tham gia vào các phong trào cách mạng dân tộc. Nguyễn Thị Giang gặp Nguyễn Thái Học qua sự giới thiêu của Xứ Nhu (Nguyễn Khắc NHu) lúc cô mới 22 tuổi. Vầ được Nguyễn Thái Học mời cô gia nhập VNQDĐ. Người Chị là Nguyễn Thị Bắc cũng gia nhập. Lúc đầu gia nhập, hai người phụ nữ trẻ chỉ chịu trách nhiệm “đối ngoại và tuyên truyền” cho VNQDĐ. Nhưng ngay sau đó, đảng nhận ra sự thông minh và năng lực của cô Giang nên giao cho cô những trọng trách quan trọng hơn. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học có niềm tin tuyệt đối vào cô Nguyễn Thị Giang và thường giao cho cô làm những việc cơ mật.
Theo nhận định của Louis Marty, người chỉ huy trưởng của mật thám Pháp tuyên bố với chính quyền thuộc địa rằng VNQDĐ đã xây dựng một “bộ phận” do nữ đảm nhiệm mà các thành viên trong đó đóng vai trò lớn lao vào các hoạt động chống thuộc địa. Marty thậm chí còn cho rằng “Hoạt động cách mạng của cô Giang còn vượt xa vai trò của Nguyễn Thái Học” .
Vai trò quan trọng của Nguyễn Thị Giang là làm người tuyên truyền cho đảng. VNQDĐ, một ban tuyên truyền của đảng được thành lập với mục đích viết, xuất bản, lưu hành sách, tờ rơi và báo phục vụ cho mục đích chiêu mộ những người lính Việt Nam trong hàng ngũ Pháp vào VNQDĐ. Trong vai trò này, cô Giang di chuyển khắp miền Bắc Việt Nam, để tuyên truyền và khơi dậy lòng yêu nước của giới trẻ miền bắc. Cô Giang cũng hay thuyết trình về chiến lược chính trị của VNQDĐ, về đấu tranh võ trang với các cá nhân, nhóm và đôi khi cho toàn bộ người dân trong một làng. Nhiều áp phích, tờ rơi xuất bản bởi bộ phận tuyên truyền của Đảng là do cô sáng tác.
Trong khi hoạt động tuyên truyền và binh vận, cô Giang thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Bởi vì, trong thời thuộc Pháp, những nhóm người dám nói về các vấn đề chính trị, về việc giành độc lập dân tộc hay bị tố giác và rơi vào vòng lao lý tù tội khổ sai hoặc lưu đày biệt xứ. Hơn nữa, người Việt Nam di chuyển khắp Đông Dương đều bị yêu cầu trình thẻ căn cước. Nguyễn Thị Giang vốn bị cảnh sát thuộc địa biết rõ mặt, những chuyến đi công tác cho đảng của cô đòi hỏi cô Giang phải cải trang và dùng nhiều giấy căn cước giả. Bất chấp hiểm nguy, Cô Giang lúc nào cũng hăng sai trong công việc truyền thông và tuyên truyền, cũng như người chị của cô là Nguyễn Thị Bắc - tức Cô Bắc, người hay tháp tùng cùng cô Giang trong những chuyến công tác do đảng giao phó.
Qua các tin tình báo thu thập được, mật thám Pháp, giữa năm 1929 và 1930, biết rõ hoạt động của hai chị em Cô Giang Cô Bắc trong VNQDĐ. Mật thám Pháp tcó lần đã tìm thấy một kíp nổ trong ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, các nhân viên mật thám nhanh chóng tìm ra mối liên hệ của sự kiện này với Nguyễn Thị Giang. Họ báo cáo cho Thống sứ Bắc Kỳ rằng hẳn không phải là tình cờ khi tìm thấy những kíp nổ trong một ngôi làng mà cô thường xuyên ghé thăm, tham gia và tổ chức những “hội nghị cách mạng” ở đó.
Sở Mật thám cũng nhận ra sự thành công trong các chiến dịch tuyên truyền của VNQDĐ, họ viết một báo cáo nhận định rằng thông điệp của nó “được đón nhận nồng nhiệt bởi giới trí thức trẻ, đặc biệt là giáo chức và sinh viên” và cũng nhận được “ủng hộ rất lớn trong hàng ngũ những người Việt đi lính cho Pháp” và “rất nhiều những sĩ quan dự bị người dân tộc trong pháo binh, bộ binh, quản lý tài chính và không quân đều gia nhập VNQD Đảng” . Học giả Oscar Chapuishas cũng lưu ý rằng Khởi nghĩa Yên Bái, đã có “một số lượng lớn những người lính Đông Dương đã tham gia VNQDĐ nhờ vào mạng lưới tuyên truyền được dẫn dắt bởi hai người phụ nữ, Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) và Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc)”.
Vai trò của cô Giang là bảo đảm đường dây thông tin liên lạc giửa các cơ sở của đảng được an toàn. Công việc của cô Giang với cương vị là một liên lạc viên giúp cho Đảng có thể truyền đi những thông tin quan trọng liên quan đến việc hành động của các căn cứ, và cảnh giác với các mội gián trong hàng ngũ VNQDĐ. Để tránh bị lộ, các liên lạc viên không thể sử dụng những cách thức giao tiếp thông thường và chính thống như gửi thư qua đường bưu điện hoặc điện tín, bởi vậy các liên lạc viên luôn mang bên mình các chỉ thị viết tay cũng như các giấy ghi chú, thư trao đổi giữa các đảng viên. Khi yêu cầu về an toàn buộc những đảng viên VNQDĐ không được rời nơi ẩn nấp vì họ đang bị truy lùng bởi mật thám, liên lạc viên là những người đến tận nơi chốn của các đảng viên, để cung cấp cho họ những thông tin cần thiết trong việc hoạt động và tránh sự theo dỏi của mật thám Pháp. Trong sách viết về VNQDĐ, cụ Hoàng Văn Đào viết về công việc liên lạc của Nguyễn Thị Giang: “Khi Nguyễn Thái Học cải trang và giấu mình ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Phú Thọ, rừng núi hiểm trở càng khiến cho việc lên đó thêm khó khăn và hiểm nguy, Cô Giang vẫn luôn mang đến cho ông những tin tức, thông tin và truyền đi những chỉ thị của ông cho các cơ sở đảng địa phương”.
Trong một Báo cáo của Louis Marty vào năm 1934 về các hoạt động dự kiến của VNQDĐ đã tiết lộ rằng khi Nguyễn Thái Học bị bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội vào tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thị Giang vẫn đóng vai trò là liên lạc viên giữa ông và Lê Hữu Cảnh, người thay Nguyễn Thái Học lãnh đạo Đảng sau khi đảng trưởng bị bắt. Cụ Hoàng Văn Đào cho rằng lúc đó, Nguyễn Thị Giang là cố vấn chính của VNQDĐ. Sự cống hiến và tầm quan trọng của Chị em cô Giang và cô Bắc trong VNQD đảng được Louis Marty khẳng định khi ông nhận xét cô là một liên lạc viên “kiên gan”, và Marty cho rằng vai trò của Cô Giang đã đóng góp to lớn cho VNQDĐ bởi vì nó giúp cho tổ chức này tiếp tục hoạt động mặc dù bị đàn áp dữ dội bởi chính quyền thuộc địa trong thời gian mà những thủ lĩnh cốt cán của VNQDĐ bị bắt giam sau cuộc tổng nổi dậy bị thất bại.
Công việc liên lạc của Cô Giang vô cùng khó khăn và nguy hiểm, Cô thường di chuyển và đổi chổ ở liên lục, hóa trang để qua mặt mật vụ cảnh sát Pháp. Sở mật thám Pháp biết bà thường cải trang nên cũng mô tả hình đạng của cô Giang đến các cấp để nhận diện được Cô Giang. Có lần, khi bà đang ở nhà một đảng viên khác thì cảnh sát xông vào và bắt giữ người đồng chí của bà. Nhưng Nguyễn Thị Giang thì đã kịp trốn thoát . Khả năng qua mặt chính quyền của cô Giang rất xuất sắc, với biệt tài như vậy cô Giang đã từng giúp cho nhiều đảng viên khác trốn thoát khi bị mật thám Pháp săn tìm , Cô cũng đã kịp thời đưa họ đi ẩn nấp ở những nơi an toàn. Chẳng hạn như, cô Giang đã từng đưa người đồng chí Nguyễn Văn Viên (người chỉ huy vụ ám sát cai mộ phu Alfred François Bazin năm 1929 – ND) tới nơi an toàn ở Hải Phòng và từ đó ông có thể vượt biên sang Trung Hoa.
Cô Nguyễn Thị Giang là người cùng với các đồng chí lãnh đạo đã lên kế hoạch cho việc tổ chức cuộc khởi nghĩa võ trang chống lại chế độ thực dân thuộc địa và tiêu diệt những kẻ phản bội lại VNQDĐ. Theo những tài liệu tìm được trong kho lưu trữ, vào năm 1929, Sở Mật thám phát hiện ra ít nhất 150 quả bom ở tỉnh Bắc Ninh. Một trong số sáu người bị bắt và bị buộc tội đặt bom khai với cảnh sát rằng chính Cô Nguyễn Thị Giang là người hướng dẫn chế tạo và đặt những quả bom này.
Có bằng chứng cho thấy rằng VNQDĐ cũng bày kế hoạch để ám sát người sau đó là Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier cũng như rất nhiều quan chức Pháp cao cấp khác. Khi bị thẩm vấn, Lê Văn Cảnh, một thành viên VNQDĐ bị bắt, tiết lộ rằng ông đã viết một chỉ thị bằng mực vô hình thừa lệnh của cô Giang, tuyên bố rằng đã đến lúc chấm dứt thời kỳ thuộc địa tại Việt Nam và việc ám sát Pasquier sẽ đóng vai trò như một sự khởi đầu và là lời cảnh báo nghiêm khắc của VNQDĐ với chế độ thực dân Pháp. Chỉ thị của cô Giang cũng kêu gọi nỗ lực tiếp tục chiêu mộ thêm thành viên để thực hiện những vụ ám sát những thành phần chủ chốt Pháp càng nhiều càng tốt. Phần lớn lời kêu gọi thực hiện những cuộc ám sát đều được đưa ra từ các chỉ thị của Cô Giang , đó được coi là một chiến lược quan trọng của VNQDĐ trong việc đối nội và đối ngoại.
Trong quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào đầu những năm 1930, bà cùng với người chị của mình, Nguyễn Thị Bắc và một người phụ nữ khác gọi là Đỗ Thị Tâm, cùng nằm trong một tiểu đội. Vào ngày khởi nghĩa, Nguyễn Thị Giang đã có mặt ở Yên Báy để tiến hành nhiệm vụ của mình, mang theo toán quân đến một nơi an toàn trong núi. Trong khi đó, Nguyễn Thị Bắc, cùng những người khác, cải trang và hành động như những tiểu thương, thực ra là vận chuyển vũ khí từ Phú Thọ đến Yên Báy . Mặc dù cuộc nổi dậy của Yên Báy bị đánh bại bởi quân Pháp, nhưng nó đã giáng được một đòn mạnh mẽ vào danh dự và an ninh của chính quyền thuộc địa. Tuy nhiên, sự đáp trả của chính quyền thuộc địa Pháp rất tàn nhẫn. Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông bị bắt, tống giam và tử hình vìlà người lãnh đạo cuộc tổng nổi dậy. Nguyễn Thị Giang xoay sở và trốn thoát nhưng cô hiểu rằng cô có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự khi Sở Mật thám tìm ra cô. Chị của bà, Nguyễn Thị Bắc, cũng đã bị bắt và dẫn đến nhà tù Hỏa Lò. Cô Bắc bị buộc tội hành động phá hoại an ninh của Đông Dương. Bà bị tuyên án tù 20 năm trong phiên tòa và sau đó bị đem đến nhà tù Côn Đảo. Dẫu vậy, mặc dù nguy hiểm, vào 17/6/1930, Nguyễn Thị Giang vẫn tìm đường đến được pháp trường Yên Báy, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa và nơi sẽ diễn ra cuộc hành quyết của Nguyễn Thái Học. Trong trang phục của người tiểu thương, cô đã trà trộn vào đám đông ở pháp trường, chờ để chứng kiến cuộc hành hình. Cô Giang không gây ra bất kì sự chú ý nào khi cô chứng kiến lưỡi dao của chiếc máy chém tiến dần đến người đàn ông mà bà gọi là chồng. Mô tả lại cuộc hành quyết, Sở Mật thám báo cáo rằng có khoảng 60 người đến xem “hầu hết là phụ nữ và thanh niên”.
Một lần nữa, Nguyễn Thị Giang vẫn không hề bị phát giác trước sự hiện diện của rất nhiều nhân viên cảnh sát và mật vụ Pháp. Một ngày sau khi Nguyễn Thái Học bị hành hình, tại quê hương của ông, những người tiểu thương bắt gặp thi thể của một người phụ nữ trẻ trong trang phục tang, nằm trên đồng ruộng, chết vì vết thương do súng bắn. Họ biết được đó là cô Nguyễn Thị Giang bởi họ tìm thấy hai lá thư được ký tên gài trong quần áo của cô. Cuối cùng, người em gái út của Cô Giang, Nguyễn Thị Tỉnh, nhận ra đấy là chị của mình. Một trong hai bức thư của mình, cô Giang có giải thích lý do cô quyên sinh.
Lá thư khác cô nói về nỗi đau của cô sau cuộc hành quyết Nguyễn Thái Học, diễn tả mong muốn của cô “được chêt theo chồng”. Để theo chồng, cô dùng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học tặng - đây là khẩu súng mà cô đã từng yêu cầu ông đưa cho cô để khi ông chết, cô có thể dùng nó để kết liễu đời mình. Cô Giang tự kết liểu vào ngày 18.6.1930, tức một ngày sau khi đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị Pháp hành hình tại pháp trường Yên Báy 17.6.1930.
Tấm gương trung liệt vì nợ nước tình nhà của cô Nguyễn Thị Giang đã làm nổi bật vai trò nữ nhi trong cuộc cách mạng dân tộc nhằm đánh đổ thực dân Pháp cởi ách cai trị của chúng trên đầu trên cổ đồng bào VN chúng ta vào đầu thế kỷ XX. Trong thời gian 3 năm sinh hoạt với VNQDĐ, Cô Giang và cô Bắc đã đã làm bẻ mặt mạng lưới an ninh của Pháp đang giăng bắt cô, để hoàn thành một cách xuất sắc những công tác mà đảng đã giao phó cho cô.
Bài viết dựa theo tài liệu viết về cô Giang một anh thư của VNQDĐ do Micheline Lessard, là một giáo sư duy nhất giảng dạy về lịch sử Việt Nam ở ĐH Ottawa, Canada.
Chúng tôi những người trẻ hải ngoại xin thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên hương hồn Cô Giang Cô Bắc và các vị anh hùng dân tộc của VNQDĐ trong mùa tang Yên Báy 2019.
Biên khảo lịch sử Hậu Duệ VNCH Lý Bich Thuỷ 19.5.2019
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen