BINH CHỦNG TRUYỀN TIN VNCH
SĐND QLVNCH
BKT sưu tầm
Lời giới thiệu: BKT xin được hân hạnh giới thiệu với Quý vị về Bộ Huy Hiệu của Binh chủng Truyền Tin (BCTT) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Trang này gồm 3 phần:
Phần 1:
a. Sơ lược về Lịch sử/Tiểu sử và bộ Huy hiệu nguyên thủy của BCTT do cựu Đại tá QLVNCH Nguyễn–Huy Hùng, cựu Chỉ huy phó Viễn Thông Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, biên soạn;
b. Cơ cấu Tổ chức BCTT do Bồ Câu Nguyễn Bế biên soạn;
Phần 2: Bộ Huy hiệu BCTT QLVNCH;
Phần 3: Hình ảnh về BCTT QLVNCH và BCTT thuộc Quân đội Đồng minh Hoa Kỳ trong thời chiến.
Credits: Ghi nhớ những đóng góp thời giờ quý báu giúp hình thành trang điện tử này.
Kính mời Quý Độc giả theo dõi những chi tiết lịch sử sau đây về BCTT QLVNCH. Trân trọng. –BKT.
PHẦN 1
Tiểu Sử Binh Chủng Truyền Tin QLVNCH
Trong Quân đội có nhiều ngành chuyên biệt khác nhau. Do đó, mỗi ngành chuyên biệt đều có Huy Hiệu riêng để nhận diện phân biệt trên các bộ quân phục. Thoạt đầu Binh chủng Truyền Tin được tổ chức theo khuôn mẫu quân đội Pháp, nên được chia ra thành 2 lãnh vực hoạt động chuyên trách khác nhau:
1. Ngành chuyên trách về KHAI THÁC, ban hành các huấn lệnh hướng dẫn điều hành việc xử dụng các phương tiện máy truyền tin để duy trì liên lạc giữa các cấp đơn vị trong toàn quân đội.
2. Ngành chuyên trách về VẬT LIỆU, lo toan các công tác tiếp tế, tồn trữ, và sửa chữa các máy truyền tin, để cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân đội theo đúng Bảng Cấp Số quy định riêng cho mỗi đơn vị.
Do đó nên thuở ban đầu ấy, Binh chủng Truyền Tin có tới 2 loại Huy Hiệu khác nhau gắn trên ngực áo các bộ quân phục: Chim bồ câu xòe cánh với bó đuốc trên lưng (hình 1) cho ngành Khai Thác, và Bó đuốc với hai mũi tên bắt tréo (hình 2) cho ngành Vật liệu. Phù Hiệu đơn vị mang nơi tay áo trái là Phù Hiệu của Đại đơn vị mà đơn vị Truyền Tin đó phụ thuộc. Chẳng hạn Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu thì đeo Phù hiệu của Bộ TTM, các BCH Viễn thông Quân Khu thì đeo Phù Hiệu của Bộ Tư lệnh Quân khu mà BCH trực thuộc, Đơn vị Truyền Tin thuộc Sư Ðoàn nào thì đeo Phù Hiệu riêng của Sư Ðoàn đó, Sở Vật liệu thì đeo Phù hiệu của Nha Quân Cụ....
Đến thời kỳ Quân đội cải tiến tổ chức theo khuôn mẫu quân đội Hoa Kỳ vào cuối Thập niên 1950, thì cả 2 ngành Khai Thác và Vật Liệu Truyền Tin đều mang chung một mẫu Phù Hiệu mới duy nhất là Thanh kiếm với 3 vòng quỹ đạo hạt nhân điện tử chạy quanh lưỡi kiếm (hình 3) nơi tay áo trái của mọi loại quân phục. Đồng thời có chung một Huy Hiệu bằng kim khí mầu vàng, gắn ở nơi ve áo 2 bên cổ các loại quân phục là CHIM BỒ CÂU XÒE CÁNH VỚI BÓ ĐUỐC TRÊN LƯNG (hình 1) là mẫu Phù Hiệu trước kia của ngành Khai Thác.
Các Binh chủng Truyền Tin của các quân đội Pháp và Hoa Kỳ cũng có mẫu Huy Hiệu riêng như trong các hình 4 và 5 dưới đây.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
I. Huy Hiệu
II. Tiểu sử Binh chủng Truyền Tin QLVNCH
BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO?
Nếu không có ngày Quốc Hận 30/4/1975, cả nước Việt Nam bị chìm đắm dưới cơn LŨ LỤT ĐỎ phũ phàng do Quốc tế cộng sản gây ra, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam không bị cảnh “xảy đàn tan nghé”, thì chắc không ai quan tâm đặt câu hỏi: BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO? Sau hơn 30 năm rã ngũ, cuộc sống riêng của mỗi người trong chúng ta đều phải trải qua nhiều thay đổi. Khi biến cố QUỐC HẬN đau thương 30/4/1975 xảy ra tại miền Nam Việt Nam, ai có cơ hội may mắn cùng với gia đình thoát được ra nước ngoài, thì phải ra đi với 2 bàn tay trắng chẳng mang theo được gì. Những người bị kẹt vì công vụ tới giờ chót, lúc Tướng Dương văn Minh phản bội Dân tộc và Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh buông súng đầu hàng quân Việt Cộng tay sai Quốc tế cộng sản Liên Xô Nga và Trung Cộng xâm lăng miền Nam Việt Nam, muốn tìm đường thoát ra khỏi nước thì đã quá muộn không còn phương tiện, đành ở lại gánh chịu tất cả những chính sách trả thù “tiêu diệt giai cấp tư sản” dã man tồi tệ nhất của lũ Quỷ Đỏ Bắc phương tràn vào trút lên đầu lên cổ. Tài sản bị tịch thu, bản thân bị bắt đi tập trung cải tạo trong các trại tù giữa nơi rừng thiêng nước độc, vợ con bị dồn đi khai hoang các vùng kinh tế mới cũng với hai bàn tay trắng chẳng còn gì. Vì thế ngay cả những tấm hình kỷ niệm riêng tư, các giấy tờ hành chánh liên quan đến bản thân còn không giữ được, nói chi tới các tài liệu quân đội.
Bây giờ, ai cũng đã bạc đầu, sức khỏe tàn lụi, bộ não suy nhược, làm sao dám bảo đảm là những điều mình nhớ chắc như bắp, chính xác như kết quả bài toán cộng (một cộng một bằng hai) không sai, không lẫn lộn???
Vì thế để giải quyết thắc mắc đã nêu làm tiêu đề của bài viết này một cách khoa học và hợp lý, Tôi đã phải đi kiếm Bộ Quân Sử Quân Lực Việt Nam do Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH sưu khảo, biên soạn và phát hành từ trước ngày Quốc Hận 30/4/1975. Bộ Quân Sử này gồm 4 cuốn với những tiêu đề như sau:
1. Quyển I. Quân Lực Việt Nam dưới các Triều đại Phong kiến (từ Thượng Cổ đến Cận Kim), phổ biến ngày 19 tháng 6 năm 1968.
2. Quyển II. Quân Lực Việt Nam chống Bắc xâm và Nam tiến, phổ biến tháng 4 năm 1970.
3. Quyển III. Quân Lực Việt Nam chống Tây xâm (1847–1945), phổ biến ngày 7 tháng 5 năm 1971.
4. Quyển IV. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn hình thành 1946–1955, phổ biến ngày 6 tháng 8 năm 1972.
Đọc hết Bộ Quân Sử này, Tôi thấy nội dung Quyển IV ghi lại đầy đủ tất cả những gì chúng ta cần tìm hiểu, để có thể xác định BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO?
Đọc đi đọc lại nhiều lần để ghi lại những gì liên quan đến Truyền Tin, kết quả khiến Tôi liên tưởng đến một câu đố vui trong dân gian Việt Nam, rất oái oăm nhưng thú vị vì nó phù hợp với hoàn cảnh y hệt của sự ra đời của Binh chủng Truyền Tin của chúng ta là: “Sanh con rồi mới sanh Cha, sanh Cháu giữ nhà rồi mới sanh Ông”.
Sau đây là những gì Tôi đã tham khảo ghi nhận được để chúng ta cùng xét định xem thời điểm nào được coi là hợp lý nhất, để công nhận là NGÀY BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP.
1. NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1948, Cựu Hoàng Bảo Đại đã giao cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân cựu Thủ tướng Chính phủ Nam Kỳ Tự trị, thành lập Chính phủ Trung Ương Lâm thời Việt Nam (đại diện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) để làm nền móng ban đầu giải quyết vấn đề Việt Nam với Pháp và Quốc tế. Sau đó vào ngày 5 tháng 6 năm 1948 trên tầu Duguay Trouin tại Vịnh Hạ Long (Bắc Việt), cựu Hoàng Bảo Đại đại diện Việt Nam và ông Bollaert Cao Ủy Pháp tại Đông Dương, gặp nhau để ký bản HIỆP ĐỊNH HẠ LONG 5–6, công nhận nước Việt Nam Thống nhất Độc lập trong Khối Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương.
Trong thành phần Chính phủ Lâm thời có Bộ Quốc Phòng, nhưng mãi đến tháng 5/1950 mới có Nghị định số 160/QP ngày 5/5/1950 quy định rõ ràng thành phần tổ chức, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ. Rồi lại phải đợi đến tháng 5/1951 các thành phần cơ hữu của Bộ mới được thiết lập để hoạt động, gồm:
–Một cơ quan hành chánh đầu não,
–Nha Nhân viên,
–Nha Tư pháp Quân sự,
–Nha Tổng Hành chánh và Binh lương,
–Nha Quân Cụ (trong đó có Sở vật liệu Truyền Tin),
–Nha Quân Y.
2. NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 1949, Bộ Quốc Phòng ban hành Nghị định thành lập 3 Tiểu đoàn Việt Nam (BVN=Bataillon Vietnamien) gồm:
–BVN 1 tại Bạc Liêu (gốc Cao Đài) miền Nam Việt Nam.
–BVN 2 tại Thái Bình miền Bắc Việt Nam. (lúc đó, Tôi là một trong các Thiếu úy vừa tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan từ Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam tại Huế được bổ nhiệm vào thành phần chỉ huy của Tiểu đoàn 2 tại Hà Nội, để lo tuyển mộ, tổ chức, trang bị, huấn luyện quân sĩ tại Hà Nội và Hải Phòng trước khi Tiểu đoàn di chuyển đi hành quân và đồn trú tại Thái Bình.)
–BVN 3 tại Rạch Giá Nam Việt Nam.
Theo Bảng cấp số quy định về nhân viên và vật liệu thì, Tiểu đoàn có quân số ấn định là 829 người chia ra: 23 Sĩ quan, 110 Hạ sĩ quan, 696 Binh sĩ, và thành phần tổ chức gồm: 1 Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, 1 Đại đội Chỉ huy, và 4 Đại đội Chiến đấu.
Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn gồm 6 Sĩ quan: Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, Sĩ quan Tế mục vụ, Sĩ quan Tình báo, Sĩ quan Truyền Tin, và một Bác sĩ.
Đại đội Chỉ huy gồm có Ban Chỉ huy Đại đội (Đại đội trưởng và 9 người), 1 Ban Hành chánh (24 người), 1 Ban Truyền Tin (24 người), 1 Ban Quân Y (9 người), 1 Ban Quân xa (24 người), 1 Trung đội súng nặng (28 người), và 1 Trung đội Thổ Công binh (28 người). Các loại máy Truyền Tin trang bị cho Ban Truyền Tin gồm: 6 CSR 694, 14 SCR 300, 24 SCR 536, 1 AN/TRC 9, và 6 máy dò mìn SCR 625.
Mỗi Đại đội Chiến đấu gồm có 1 Trung đội Chỉ huy (20 người, trong đó có Ban Truyền Tin 6 người), 1 Trung đội súng nặng (26 người), và 3 Trung đội Chiến đấu (mỗi Trung đội 41 người).
3. Các năm 1951, 1952, và các năm kế theo có một số đơn vị Truyền Tin được chính thức thành lập như sau:
–Ngày 1 tháng 2 năm 1951, thành lập 2 Đại đội Truyền Tin: Đại đội 1 TT tại Cần Thơ (Nam Việt Nam), Đại đội 3 TT tại Nam Định (Bắc Việt Nam).
–Ngày 1 tháng 7 năm 1952, thành lập Đại đội 4 TT tại Ban Mê Thuột (Cao nguyên Trung phần Việt Nam)
–Ngày 1 tháng 9 năm 1952, thành lập Đại đội 2 TT tại Huế (Trung Việt Nam).
–Ngày 1 tháng 7 năm 1952, thành lập Đại đội 5 TT tại Hà Nội (Bắc Việt Nam).
–Ngày 1 tháng 10 năm 1952, thành lập Đại đội 6 TT tại Gia Định (Nam Việt Nam).
Những năm kế theo thành lập liên tiếp các Cơ sở Tiếp liệu TT và các Trung tâm Huấn luyện TT tại các Quân khu. Những cơ sở này cùng với 6 Đại đội TT đã thành lập từ trước là thành phần gồm chuyên viên nòng cốt thuộc Binh chủng Truyền Tin.
4. NGÀY 1 THÁNG 5 NĂM 1952, Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, theo Dụ số 43 QP ngày 23/5/1952. Trụ sở đặt tại khu nhà số 606 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, cho tới năm 1956 thì di chuyển vào Trại Trần Hưng Đạo ngay cửa ngõ dẫn vào phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất, Phú Nhuận, Sài Gòn. Trại này nguyên là Camp Chanson của Bộ Chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp giải tán rút ra khỏi Việt Nam trao lại.
Tổng số nhân sự của Bộ TTM lúc đó gồm khoảng trên 150 người cả Pháp lẫn Việt Nam. phía Pháp là 36 người (21 Sĩ quan, 15 Hạ sĩ quan). Lúc đó Tôi đang mang cấp bậc Trung úy phục vụ dưới quyền Trung tá Lê văn Tỵ, Tham mưu trưởng Biệt bộ Bộ Quốc phòng, được thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu đảm trách chức vụ Trưởng Ban Mật Mã thuộc văn phòng Tổng Tham Mưu trưởng.
Tổ chức ban đầu của Bộ TTM rất đơn giản, gồm:
–Tổng Tham Mưu trưởng và Văn phòng,
–Tham Mưu trưởng,
–3 Tham mưu phó (Tổ chức và Nhân viên, Hành quân và Huấn luyện, Tiếp vận),
–Chỉ huy trưởng Viễn Thông (Thiếu tá Richard) trong sơ đồ tổ chức được xếp ngang hàng với các Tham mưu phó.
–4 Phòng Tham mưu chính là Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, và Phòng 4.
–Nha An ninh Quân đội,
–Ban Không Quân,
–Ban Hải Quân,
–Trung tâm Công văn và Công điện (trong đó có Trung tâm Truyền Tin),
–4 Nha trực hệ gồm: Nha Nhân viên, Nha Quân Nhu, Nha Quân Cụ (trong đó có Sở Vật liệu Truyền Tin) và Nha Quân Y.
6. KỂ TỪ CUỐI THÁNG 11 NĂM 1954, sau khi Hiệp Ước Genève 21/7/1954 được ký kết giữa Pháp và Việt Cộng, thì các sĩ quan Việt Nam được lần lần bổ nhiệm thay thế sĩ quan Pháp đang giữ những trọng trách chủ yếu tại các Bộ Tham mưu và Đơn vị trong toàn Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Nhờ thế, ngày 4 tháng 8 năm 1955, Thiếu tá Nhiệm chức (grade fonctionnel) Lương Thế Soái được cho mang cấp hiệu Trung tá Giả Định (grade fictif) và bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN thay thế Trung tá Platwet Roundil. Nhưng chẳng được bao lâu thì Thiếu tá Nguyễn Khương Sĩ quan Truyền Tin Phân khu Nha Trang (đã từng theo Thiếu tá Thái Quang Hoàng, lập chiến khu tại Phan Rang chống Tướng Tổng Tham Mưu trưởng Nguyễn Văn Hinh để ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm) được đưa về Sài Gòn thăng cho cấp Trung tá Nhiệm chức làm Chỉ huy trưởng Viễn thông thay thế Trung tá Soái bị giải ngũ.
7. NGUYÊN VĂN LỜI MỞ ĐẦU GIỚI THIỆU NGÀNH TRUYỀN TIN trong Bộ Quân sử, Quyển IV, Mục nói về các Quân Binh chủng Chiến đấu và Yểm trợ chiến đấu ghi như sau:
“Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin được thành lập ngay với Bộ Tổng Tham Mưu và đồng thời các cơ quan truyền tin quân khu cũng được thành lập ngay với các quân khu. Lúc ấy các bộ chỉ huy truyền tin gọi là Bộ chỉ huy viễn thông trung ương và các Bộ chỉ huy viễn thông quân khu.”
Dựa vào các điều tham cứu trên để suy luận, chúng ta nhận thấy rằng:
1. Ngày 1 tháng 8 năm 1948, Bộ Quốc Phòng Việt Nam được thành lập, trong tổ chức có Nha Quân Cụ (có bộ phận phụ trách về vật liệu Truyền Tin), nhưng chưa có đơn vị quân đội nào được thành lập.
2. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Có 3 Tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập, trong bảng cấp số có Sĩ quan Truyền Tin và các Ban Truyền Tin, nhưng đây là loại nhân viên Truyền Tin Binh đoàn, không thuộc quân số cơ hữu của ngành chuyên môn Truyền Tin.
3. Ngày 1 tháng 2 năm 1951, thành lập 2 Đại đội Truyền Tin: Đại đội 1 TT tại Cần Thơ (Nam Việt Nam), Đại đội 3 TT tại Nam Định (Bắc Việt Nam).
4. Ngày 1 tháng 5 năm 1952, Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN được thành lập cùng lúc với Bộ TTM, là Cơ quan đầu não chính của Binh chủng Truyền Tin sau này.
5. Ngày 4 tháng 8 năm 1955, Thiếu tá Nhiệm chức (grade fonctionnel) Lương Thế Soái được cho mang cấp bậc Trung tá Giả Định (grade fictif không ăn lương), và được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM đầu tiên trong QĐQGVN, thay thế cho Trung tá Platwet Roundil đang là Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM chấm dứt nhiệm vụ để chỉ còn giữ vai trò cố vấn mà thôi. Nhưng Bộ Chỉ huy Viễn thông đã chính thức được thành lập từ ngày 1 tháng 5 năm 1952.
6. Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi tra cứu các văn kiện chính thức của Bộ Quốc Phòng quy định việc thành lập riêng cho từng đơn vị thuộc Quân đội, đã ghi lời nhận định như sau trong Bộ Quân Sử, Quyển IV, trong mục nói về các Quân Binh Chủng chiến đấu và yểm trợ chiến đấu, là:
“Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin...”
ĐỂ KẾT LUẬN,
Dựa theo các phân tích trên đây, thì chúng ta thấy rằng, câu trả lời hợp lý hợp tình nhất cho câu hỏi: “BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀP NGÀY NÀO?” Chính là NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM 1951, Vì vào ngày đó 2 Đại đội Truyền Tin Việt Nam đầu tiên được chính thức thành lập:
–Đại đội 1 Truyền Tin tại Cần Thơ,
–Đại đội 3 Truyền Tin tại Nam Định.
Ngoài ra, trong Quyển IV Bộ Quân Sử, do Khối Quân Sử Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu biên soạn, sau khi tham khảo các văn kiện chính thức về thành lập các đơn vị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã ghi trong mục nói về các Quân Binh Chủng chiến đấu và yểm trợ chiến đấu, rõ ràng là:
“Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin được thành lập ngay với Bộ Tổng Tham Mưu và đồng thời các cơ quan truyền tin quân khu cũng được thành lập ngay với các quân khu. Lúc ấy các bộ chỉ huy truyền tin gọi là Bộ chỉ huy viễn thông trung ương và các Bộ chỉ huy viễn thông quân khu.” Đến đây Quý độc giả đã có được một khái niệm tổng lược khái quát về Truyền Tin và ngày Binh chủng Truyền Tin QLVNCH được chính thức thành lập.
Đại tá Nguyễn–Huy Hùng,
ảnh chụp tại Sài Gòn vào đầu năm 1969
(Trích Duyên Nợ Truyền Tin của Tác giả Nguyễn–Huy Hùng. –BKT)
III. Cơ cấu Tổ chức của Binh chủng Truyền Tin QLVNCH
Bồ Câu Nguyễn Bế
BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Binh Chủng
Lời Tác giả: Cuộc chiến Quốc Cộng đã kết thúc 36 năm, nhưng trong tâm tưởng của Người Việt Quốc Gia, những ai còn nặng tình với Quê Hương, tưởng chừng như mới đó!
Cuộc chiến “không đánh để thua, chính nghĩa đổi thành phi chính nghĩa, và phần chiến thắng lại dâng hiến cho kẻ xâm lược tay sai Cộng Sản Quốc Tế”.
Bài viết này xin được trình bày một cách tổng quát về Tổ Chức và Điều Hành của Binh Chủng Truyền Tin/QLVNCH nhân dịp Đại Hội kỷ niệm 60 năm thành lập Binh Chủng, 1951 – 2011, được tổ chức trong 2 ngày 11 và 12/6/2011 tại Nam California; với mục đích ôn lại những gì đã có, đã làm của một Binh Chủng trong QLVNCH mà trong đó, các chiến hữu Truyền Tin đã đem hết khả năng và trí tuệ suốt cả đời trai để phục vụ Quân Đội và Đất Nước.
Trong hiện tại, vì thiếu tài liệu để tham khảo, bài viết hầu hết “lần theo ký ức”. Do vậy, nếu quý vị thấy có tài liệu nào chính xác hơn kính xin bổ túc. Chân thành cảm tạ.
Bồ Câu Nguyễn Bế
Một Quốc gia phải có Quân Đội (QĐ) và việc liên lạc Truyền Tin (LLTT) dù bất cứ ở cấp nào, đơn vị nào cũng cần phải có nó. Hệ thống liên lạc TT có kỹ thuật cao, điều hành tốt thì tin tức truyền đi mới được bảo mật, nhanh chóng và chính xác.
Binh chủng Truyền Tin (BCTT) nhờ được sử dụng những phương tiện truyền tin tiên tiến của Quân đội Hoa Kỳ và Pháp đã đáp ứng được mọi nhu cầu LLTT cho QLVNCH trên khắp chiến trường, trong mọi giai đoạn khó khăn để ngăn chận quân CS miền Bắc, bảo vệ Miền Nam VN sống trong Tự Do Thanh Bình và Hạnh Phúc Thịnh Vượng dưới Chính Thể Cộng Hòa hơn ¼ thế kỷ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, những quân nhân Truyền Tin, tùy theo chuyên nghiệp, cần phải có một trình độ học vấn tối thiểu, đủ để được huấn luyện cách sử dụng và bảo trì các phương tiện TT luôn luôn đổi mới, kỹ thuật liên lạc luôn luôn cải tiến.
Nhân viên TT khi giữ những nhiệm vụ quan trọng bắt phải được cơ quan An Ninh Quân Đội điều tra an ninh trước khi giao nhiệm vụ, sau đó tái điều tra theo định kỳ hàng năm.
BCTT lấy hình ảnh Chim Bồ Câu làm Huy Hiệu (biểu tượng) và “Tả Tướng Quốc Công Trần Nguyên Hãn” làm vị Thánh Tổ. Lý do, trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh, từ năm 1418, của nước ta, Trong đoàn quân của Bình Định Vương Lê Lợi có Tướng Trần Nguyên Hãn đã dùng Chim Bồ Câu đưa tin từ chiến trận, đang bị quân Minh vây khốn về kinh đô xin cứu viện.
Thật vậy! Bồ Câu là loài chim quý, hiền hòa, không bao giờ lạc lối và Đức Trần Nguyên Hãn là một Tướng Tài!
Tượng Đài của vị Thánh Tổ BCTT Đức Trần Nguyên Hãn được BCTT xây dựng trên khu công viên Bùng Binh, trước Chợ Bến Thành, Sài Gòn từ đầu thập niên 1960 cho đến hôm nay, vẫn hiên ngang với bao phong ba bão táp, vật đổi sao dời!
Tổ Chức và Hoạt Động của BCTT quả thật rất rộng lớn, do đó các đơn vị và chuyên viên thuộc ngành QLVNCH được chia làm 2 thành phần: Truyền Tin Binh Chủng và Truyền Tin Binh Đoàn.
Truyền Tin Binh Chủng: bao gồm nhân viên và các đơn vị TT Lục Quân cấp Trung ương, cấp Quân Đoàn (Vùng Chiến Thuật), Cấp Sư Đoàn (Khu Chiến Thuật) các đơn vị TT/Diện Địa/Cố Định trên toàn lãnh thổ VNCH.
Truyền Tin Binh Đoàn: bao gồm nhân viên và các đơn vị thuộc Quân Chủng Lục Quân từ cấp Trung Đoàn trở xuống và Không Quân, Hải Quân, cùng các Binh Chủng như Lực Lượng Đặc Biệt, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, v.v.
Ngoài ra trong TT Binh Chủng còn được chia thành 3 ngành chuyên môn khác nhau. Đó là:
–Khai Thác Liên Lạc TT
–Yểm Trợ Tiếp Liệu TT
–Huấn Luyện Chuyên Viên TT.
Ba ngành này hoạt động song song với nhau đã làm cho kỹ thuật liên lạc Truyền Tin của QLVNCH từ thô sơ lúc khởi đầu QĐ Pháp giao lại, đã tiến bộ nhanh chóng trong LLTT và sau cùng Tiếp Nhận và Điều Hành “hệ thống liên lạc Viễn Thông Liên Kết” của QĐHK quy mô nhất, tiên tiến nhất trong Vùng Đông Nam Á.
Theo dòng thời gian, những thời kỳ được nhắc tới sau đây, căn cứ theo những tình hình biến chuyển của Đất Nước, của QĐ.
1. THỜI KỲ TỪ NĂM 1949–1954
Vào ngày 8/3/1949 Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée, Pháp Quốc, thành lập một chính quyền VN trong khối Liên Hiệp Pháp, gọi là Quốc Gia VN, đứng đầu là Bảo Đại. Cựu Hoàng Bảo Đại yêu cầu Pháp trao trả Nam Kỳ cho VN và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này. (Tài liệu của WikiPedia nói về Bảo Đại)
Như vậy VN đã thống nhất được 3 miền Bắc–Trung–Nam mà trước đây dưới sự đô hộ của Pháp đã chia ra: Bắc Kỳ bảo hộ, Trung Kỳ tự trị, và Nam Kỳ thuộc địa.
Ngày 1/7/1949 chính phủ Quốc Gia VN thành lập Nội Các có Bộ Quốc Phòng, có QĐ với danh hiệu Quân Đội Quốc Gia VN (QĐQGVN).
Ngày 1/10/1949 Bộ Quốc Phòng ban hành Nghị định thành lập 4 Tiểu Đoàn Việt Nam (Bataillon Vietnamien=BVN) hoạt động song song với QĐ Liên Hiệp Pháp. 4 Tiểu Đoàn đó là:
Tiểu Đoàn 1 tại Bạc Liêu (gốc Cao Đài),
Tiểu Đoàn 2 tại Thái Bình,
Tiểu Đoàn 3 tại Rạch Giá,
Tiểu Đoàn 4 tại Hưng Yên.
Mỗi Tiểu Đoàn có 1 Sĩ Quan TT và 1 Ban Truyền Tin gồm 24 nhân viên.
Trong những năm kế tiếp, QĐQGVN thành lập thêm nhiều đơn vị Bộ Binh. Theo nhu cầu liên lạc TT, có 8 Đại Đội TT biệt lập được thành lập, hoạt động trên khắp lãnh thổ VN.
Năm 1951: ĐĐ1 Cần Thơ, ĐĐ2 Huế, ĐĐ3 Nam Định, và ĐĐ4 Ban Mê Thuột).
Năm 1952: ĐĐ5 Hà Nội, ĐĐ6 Gia Định
Năm 1953: ĐĐ7 Nha Trang, ĐĐ8 Phà Đen (ngoại ô Hà Nội).
Năm 1952: Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN thành lập tại Sài Gòn, trong đó có Bộ Chỉ Huy Viễn Thông (BCHVT) là cơ quan Trung ương của BCTT.
Trong Bộ Quân Sử của QLVNCH –Quyển IV– nơi mục nói về “các Quân Binh Chủng chiến đấu và yểm trợ chiến đấu. Nơi Mục 7 Truyền Tin” ghi như sau:
“Ngành Truyền Tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những Đại Đội Truyền Tin biệt lập tại các Miền Quân Sự. Khác với các binh chủng chiến đấu khác, Bộ Chỉ Huy của Binh Chủng Truyền Tin được thành lập ngay với Bộ Tổng Tham Mưu và đồng thời các cơ quan Truyền Tin Quân Khu cũng được thành lập ngay với các Quân Khu. Lúc ấy các Bộ Chỉ Huy Truyền Tin gọi là Bộ Chỉ Huy Viễn Thông Trung Ương và các Bộ Chỉ Huy Viễn Thông Quân Khu....”
Như vậy, cho thấy rằng nhu cầu LLTT trong QĐ rất cần thiết, đã chuẩn bị trước (1951) rồi mới thành lập Bô TTM (1952).
Trong thời gian này về mặt Quân Sự, toàn lãnh thổ Việt Nam được tổ chức như sau:
* Cấp Tỉnh: có một Bộ Chỉ Huy Cơ Quan Quân Sự (sau này đổi thành Tiểu Khu). Tại mỗi Tỉnh có một Trung Tâm Truyền Tin (TTTT) cố định để cung cấp LLTT về Điện Thoại và Điện Báo (Téléphone et Télégraphe) cho Cơ Quan Quân Sự và các Đơn Vị đồn trú; quân số 37 nhân viên, có thể nhiều hay ít hơn tùy theo số đơn vị đồn trú trong lãnh thổ.
* Cấp Phân Khu: nhiều Tỉnh trong một khu vực được thành lập. Có một Phòng Truyền Tin dưới sự chỉ huy của vị Sĩ Quan Truyền Tin Phân Khu. Việc cung cấp LLTT cho Phân Khu do các TTTT ở các Tỉnh.
* Cấp Quân Khu: gồm các Phân Khu trong một Miền.
Lãnh thổ Việt Nam được chia thành 4 Quân Khu (QK), gồm có:
Đệ 1 QK Miền Nam, Đệ 2 QK Miền Trung, Đệ 3 QK Miền Bắc, và Đệ 4 QK Cao Nguyên.
Mỗi QK gồm có:
–BCHVTQK có nhiệm vụ tổ chức, điều hành và giám sát ngành TT trong QK:
–1 Đại Đội TT Địa Phương để quản trị quân số, quân dụng của các TTTT trong QK.
–1 hay 2 Đại Đội Vô Tuyến Điện (VTĐ) để tăng cường LLTT cho các đơn vị BB trong lúc hành quân.
–1 Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ thuật TT (Centre d’Instruction des Transmissions Régional =C.I.T.R.) để huấn luyện cho các chuyên viên TT.
–Việc Yểm Trợ VLTT [Vật Liệu Truyền Tin] tạm thời vẫn còn do ngành Quân Cụ.
* Cấp Trung Ương: Về tổ chức TT gồm có: Bộ Chỉ Huy Viễn Thông Trung Ương (BCHVTTƯ) trách nhiệm về Tổ Chức, Quản Trị, và Điều Hành cả 3 ngành Khai Thác, Tiếp Liệu, và Huấn Luyện.
Đảm trách LLTT cho Bộ TTM và các Nha Sở của các Quân Binh Chủng, tại Sài Gòn và Hà Nội, vẫn còn do Quân Đội Pháp đảm trách trong những năm đầu thành lập Bộ TTM. (Đó là lý do tại sao 2 ĐĐ/TT ở Hà Nội và Gia Định thành lập sau ĐĐTT 1,2,3,4 một năm)
Về Khai Thác LL Truyền Tin: Việc LL Điện Thoại trong thời kỳ này, chỉ xử dụng Hệ Thống Dây qua Tổng Đài khai thác bằng tay trong phạm vi địa phương. Liên lạc Điện Thoại Viễn Liên phải qua hệ thống Vô Tuyến Âm Thoại; và chỉ được cung cấp cho các vị Tư Lệnh, các Chỉ Huy Trưởng binh đoàn/đại đơn vị.
Liên lạc Điện Báo dùng ký hiệu “Morse” (Tích–Ta) chuyển trên các hệ thống vô tuyến điện và để bảo mật, các công điện phải qua sự ngụy hóa – ngụy dịch và mã hóa – mã dịch.
Tất cả Các quân dụng TT hoàn toàn của Quân Đội Pháp và Đặc Lệnh TT do SQ Pháp soạn thảo bằng Pháp Ngữ. Tuy rằng BCTT đã được thành lập nhưng về chỉ huy vẫn do Sĩ Quan Pháp điều khiển cho tới ngày đình chiến 1954.
Vị CHT/BCTT đầu tiên là Trung tá LƯƠNG THẾ SOÁI nhận bàn giao với Trung tá Platwat Roundil một SQTT Pháp.
Về Yểm Trợ Tiếp Liệu Truyền Tin:
Ngày 1/1/1953 các cơ cấu Yểm Trợ Tiếp Liệu sau đây được thành lập:
* Tại Trung ương, Sài Gòn, thành lập Nha Vật liệu Truyền Tin [VLTT] (Direction Centrale du Service du Matéiel des Transmissions=DCMT) trước đó do Nha Quân Cụ quản trị.
* Ở các Quân Khu có Sở Vật Liệu Truyền Tin (Etablissement Régional du Service du Matériele des Transmissions =ERMT)
* Đồng thời để nới rộng tầm Yểm Trợ, vào đầu năm 1954 cho mở thêm những Chi Nhánh Cơ Xưởng Sửa Chữa và Đơn Vị Tồn trữ (AnnexEtablissment Régional du Service du Matériele des Transmission=Annex ERMT) tại các nơi như: Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang.
Không như ngành Khai Thác Liên Lạc Truyền Tin được QĐ Pháp giao quyền Chỉ huy từ năm 1954; ngành Yểm Trợ và Tiếp Liệu vẫn do Sĩ Quan Pháp chỉ huy cho tới tháng 4/1955, gần một năm sau ngày đình chiến, mới trực thuộc BCHVT Trung ương.
Về Huấn Luyện Chuyên Viên Truyền Tin:
Lúc khởi đầu, phần huấn luyện chuyên viên TT cho HSQ và BS do Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ thuật Truyền Tin tại các Quân Khu gồm các loại chuyên viên TT như: Hiệu Thính Viên, Điều Chỉnh Viên, Tổng Đài Viên, Khai Thác Vô Tuyến Điện, Thiết Trí và Sửa Chữa Dây, Máy Phát Điện, v.v.
Phần Huấn Luyện SQTT do Khoa Truyền Tin thuộc Trường SQ Trừ Bị Thủ Đức đảm trách. Chương trình huấn luyện do QĐ Pháp biên soạn.
Trong thời gian này các SQTT có khả năng được gởi du học tại Trường TT Montargis ở Pháp sau khi về được chỉ định đảm trách những nhiệm vụ quan trọng.
2. THỜI KỲ TỪ NĂM 1954–1961
Hiệp định Genève 20/7/1954 chia đôi đất nước lấy vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị làm ranh giới, Miền Nam VN trở thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Miền Bắc tiếp tục trong chế độ cộng sản. QĐQGVN đổi danh hiệu thành QĐVN Cộng Hòa (QĐVNCH).
Cũng như các Quân Binh Chủng khác, BCTT gồm 3 Đại Đội TT và BCHVT thuộc Đệ 3 QK tập kết về Nam, tiếp tục làm nhiệm vụ người chiến sĩ TT.
Thời kỳ Đệ I Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam bắt đầu.
Để có đủ quân số bảo vệ Miền Nam VN, thay vào chỗ trống của QĐ Pháp rút khỏi VN, QĐVNCH lúc này gồm có 10 SĐ Bộ Binh, vừa Khinh Chiến và Dã Chiến, chưa kể lực lượng Bảo An Đoàn tại các Tỉnh. Do đó quân số BCTT phải tăng gấp bội.
Trong năm 1955, nhu cầu quân số của BCTT là 5,792 người, gồm 272 sĩ quan, 1,452 hạ sĩ quan, 3,541 binh sĩ, 227 nữ phụ tá, và 300 dân chính. Được phân bố như sau:
* Trung ương có BCHVT Trung ương.
1 ĐĐ khai thác Vô Tuyến Điện,
1 Tiểu Đoàn tồn trữ và sửa chữa VLTT
* Cấp Quân Khu có BCHVTQK
Mỗi QK có số Đại Đội TT khác nhau:
Đệ 1 Quân Khu:
2 ĐĐ khai thác điện thoại và VTĐ
1 ĐĐ sửa chữa Vật liệu TT
1 ĐĐ tồn trữ vật liệu TT
2 ĐĐ Truyền Tin địa phương (hệ thống TT lãnh thổ)
Đệ 2 Quân Khu:
1 ĐĐ khai thác điện thoại và VTĐ
1 ĐĐ sửa chữa vật liệu TT dã chiến
1 ĐĐ tồn trữ vật liệu TT
1 ĐĐ Truyền Tin địa phương
Đệ 4 Quân Khu:
2 ĐĐ khai thác điện thoại và VTĐ
2 ĐĐ sửa chữa vật liệu TT dã chiến
2 ĐĐ tồn trữ vật liệu TT
2 ĐĐ Truyền Tin địa phương
10 ĐĐ Truyền Tin Sư Đoàn
Tổng cộng có 29 Đại đội và 1 Tiểu đoàn.
(Theo Bộ Quân Sử: các Quân Binh Chủng chiến đấu và không chiến đấu – Nơi Mục 7 Truyền Tin)
Tất cả do BCHVT Trung ương quản trị và điều hành toàn bộ các đơn vị thuộc BCTT.
Về Khai Thác LLTT:
Các vật liệu TT căn bản vẫn tiếp tục sử dụng số máy TT do QĐ Pháp để lại và dần dần được thay thế bằng máy Vô Tuyến Điện, Siêu Tần Số (Ultra High Frequency) của QĐHK. Việc liên lạc Điện Thoại và Điện Báo trên các hệ thống được tốt hơn về phẩm chất cũng như nhiều số mạch liên lạc hơn.
Các Đặc Lệnh TT đã hoàn toàn do giới chức VN có thẩm quyến soạn thảo.
Về Yểm Trợ Tiếp Liệu Truyền Tin:
Năm 1956 các ĐĐ Tồn trữ và ĐĐ Sửa Chữa VLTT giải tán để thành lập các Tiểu Đoàn Yểm Trợ TT tại các QK. Dưới Tiểu đoàn có các Biệt Đội Yểm Trợ Truyền Tin (YTTT) để yểm trợ trực tiếp về tiếp liệu và sửa chữa tại những nơi có nhiều đơn vị trú đóng.
Các VLTT của QĐ Pháp như SCR–536, SCR–300, SCR–694, SCR 193, SCR–542, Tổng Đài TC–4 được thay thế bằng VLTT của QĐHK như AN/PRC–6, AN/PRC–25, AN/GRC–9, AN/GRC–87, AN/GRC–26, Tổng Đài SB–22, v.v. vật liệu nhẹ nhàng hơn và liên lạc xa hơn.
Về Huấn Luyện Chuyên Viên TT:
Năm 1955 các Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ thuật TT tại các Quân Khu (CITR) giải tán và gôm lại thành lập Trung Tâm Huấn Luyện TT Vũng Tàu để huấn luyện cho tất cả HSQ và BS thuộc ngành TT về phần Thiết Trí và Xử dung các máy TT. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Trường là Thiếu tá NGUYỄN ĐÌNH TÀI.
Cũng kể từ năm 1955 Trường SQ Trừ Bị Thủ Đức đổi danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, Khoa Truyền Tin đổi thành Trường Truyền Tin LTVK/TĐ tiếp tục lo việc huấn luyện SQ Căn Bản TT và các chuyên viên Sửa Chữa các máy TT.
Trong thời gian này một số SQTT có khả năng Anh ngữ được gởi đi thụ huấn tại Signal School, Fort Monmouth, thuộc Tiểu Bang New Jersey, Hoa Kỳ.
3. THỜI KỲ TỪ Năm 1961–1965
Từ cuối năm 1960, CS Miền Bắc xé bỏ Hiệp Định Genève 1954 công khai xâm chiếm Miền Nam VN. Cuộc chiến ngày càng leo thang. Để đối phó với tình hình, QĐVNCH thành lập 4 Quân Đoàn: QĐI, QII, QĐIII và QĐIV. Bên cạnh BTLQĐ có BCH Vùng Chiến Thuật trách nhiệm về lãnh thổ.
Các Phân Khu đổi thành Khu Chiến Thuật, do một Sư Đoàn đảm trách.
Các Cơ Quan Quân Sự đổi thành Tiểu Khu (TK). Có Ban TT lo việc TT trong TK.
Tổ chức các Đơn vị TT: Trong thời kỳ này có nhiều đơn vị được cải tổ và thành lập.
–Thành lập Căn Cứ 60 Tiếp Vận TT thay cho Tiểu Đoàn Tồn Trữ và Sửa Chữa TT tại Sài Gòn.
–Thành lập Tiểu Đoàn TT/TTM thay cho ĐĐ Khai Thác VTĐ đặt trực thuộc Phòng 6 Bộ TTM (để lo phối hợp hành quân).
–Thành lập Liên Đoàn 65 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa (TTDĐ) duy nhất, đồn trú tại Sài Gòn gồm các Tiểu Đoàn:
.Tiểu Đoàn Thiết Trí Cable tại Sài Gòn (mới thành lập)
.Tiểu Đoàn 650 Khai Thác TTDĐ (đã có sẵn)
.Các ĐĐTT Địa Phương nâng cấp thành Tiểu Đoàn KT TTDĐ cho 4 VCT:
TĐ610/V1,
TĐ620/V2,
TĐ630/V3,
TĐ640/V4
Và sát nhập vào Liên Đoàn 65KTTT/DĐ. Mỗi TĐ có các ĐĐKTTT/DĐ. Dưới ĐĐ có các TTTT/Diện Địa/Cố Định.
–Thành lập 4 Tiểu Đoàn TT cho 4 Quân Đoàn.
–10 ĐĐTT cho 10 Sư Đoàn (những năm sau này cũng trở thành Tiểu Đoàn).
Quân số BCTT trong thời gian này có 16,000, trong đó có 500 Nữ Quân Nhân.
Ngày 1/11/1963 Quân Đội làm Đảo Chánh. Nền Đệ II Cộng Hòa Miền Nam VN bắt đầu.
Năm 1964 QĐVNCH đổi danh hiệu là Quân Lực VNCH (bằng Sắc lệnh số 161/SL/CT ngày 22/5/1964) bao gồm các lực lượng Chủ Lực Quân, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân.
* Tại Trung ương, BCHVT đổi danh hiệu thành NHA TRUYỀN TIN và Bộ TTM thành lập thêm Phòng 6 lo việc Điều Hành, Giám Sát mọi hoạt động TT Hành quân/Chiến thuật.
* Nha Truyền Tin tiếp tục trách nhiệm về Khai Thác TT Diện địa, cố định cùng việc Yểm Trợ Tiếp Liệu và Huấn Luyện Chuyên Viên TT.
Các Quân Đoàn/VCT, có Phòng 6/QĐ Điều Hành và Giám Sát TT hành quân/chiến thuật trong Vùng.
Về tổ chức Liên Lạc TT:
* Các đơn vị Chiến Thuật khi hành quân dùng máy cầm tay hay mang sau lưng như AN/PRC–6, AN/PRC–25, AN/GRC–9 hoặc gắn trên xe như AN/GRC–87, AN/GRC–26, v.v. Nếu là hành quân cấp Sư Đoàn trở lên dùng hệ thống STS.
* Tại Bộ TTM có thêm một TTTT (ngoài TTTT Diện Địa) đặt trực thuộc Phòng 6/TTM.
* Các Quân Đoàn và Sư Đoàn cũng có TTTT có trách nhiệm (Máy STS AN/TRC–1) lo cho nhu cầu về LL hành quân cũng như chỉ huy và điều hành nội bộ.
* Đối với các TTTT/DĐ/cố định đã xử dụng thành thạo máy Siêu Tần Số đa mạch như AN/TRC/1/3,4, hoặc AN/TRC–24 rồi đến hệ thống Viba (Microwave) AN/TRC–90.
* Máy STS hay Viba phát sóng thẳng (line of sight). Với cách phát sóng thẳng này bị giới hạn bởi độ cong của mặt đất nên chỉ có thể phát đi được tối đa 30 miles [48km]; do đó muốn đi xa phải qua nhiều đài tiếp vận, vị trí càng cao càng tốt, và cần có lực lượng phòng thủ an ninh cho Đài.
* Song song với các hệ thống STS, còn có hệ thống Giai Tần Đơn nối liền từ các TTTT/Diện Địa về Trung ương Sài Gòn. Hệ thống liên lạc này không đạt [được] yêu cầu. Lý do là vật liệu có kỹ thuật không hoàn hảo, tự mua về tự thiết trí và khai thác lấy.
* Trong thời gian này BCTT được phía HK chuyển nhượng một số mạch Điện Thoại và Điện Báo làm cho việc LL rất khả quan, giải quyết được phần trở ngại trên hệ thống Giai Tần Đơn.
* Hệ thống ĐT tự động dùng với tổng đài OKI của Nhật cũng được thiết trí thay cho hệ thống khai thác bằng tay ngay tại Trung ương Sài Gòn. Các nơi khác xử dụng máy “Điện Thoại Điện Chung (common Battery), không phải quay tay chuông mới reo. Máy ĐT có tên TP–6 rất xinh xắn thay cho máy ĐT EE–8 của Pháp hay TA–43/PT của HK.
* Các giới chức quan trọng có thể dùng điện thoại viễn liên trực tiếp thay vì vô tuyến âm thoại.
* Về liên lạc điện báo, chuyển công điện, giữa Phòng Viễn Ấn Tự/Tiếp Chuyển Băng các TTTT được sử dụng phương tiện Viễn Ấn Tự (Teletype), Tiếp Chuyển Băng (Tape–Relay) qua hình thức đánh thẳng chữ vào trang giấy hay trên băng (Tape) thay cho hệ thống “Morse” được bảo mật hơn, nhanh chóng hơn, và chính xác hơn.
Việc Yểm Trợ Tiếp Liệu TT:
Trong lúc càng nhiều phương tiện TT tối tân thì cũng là lúc ngành Tiếp Liệu Sửa Chữa TT càng nhiều việc phải làm. Ngoài việc yểm trợ cho các Binh Đoàn đã có từ lâu, còn phải yểm trợ cho nhiều đơn vị mới thành lập gồm cả ĐPQ và NQ. Những xe M–30 được trang bị như một xưởng sửa chữa VLTT lưu động đi đến các SĐ, QĐ, v.v. để sửa chữa, và vì khẩn cấp nhiều khi cũng phải mang VLTT đến các nơi đóng quân để cấp phát tân trang hoặc thay thế, thay vì Binh Đoàn đến Kho Vật Liệu. Việc làm của các đơn vị Yểm Trợ Trực Tiếp TT đã đáp ứng được nhu cầu chiến trường trong giai đoạn này.
Việc Huấn Luyện Chuyên Viên TT:
Tháng 10/1961, Trường TT thuộc Liên Trường VKTĐ dời về Vũng Tàu để cùng với Trung Tâm Huấn Luyện TT/Vũng Tàu thành lập một Trường Truyền Tin duy nhất với tên Trường TT/QLVNCH Vũng Tàu; có nhiệm vụ huấn luyện tất cả các loại chuyên viên TT cho các Quân Binh Chủng.
Các SVSQ Thủ Đức học hết giai đoạn 1 (phần căn bản Quân sự) sang giai đoạn 2 nếu được tuyển chọn đi ngành TT, được huấn luyện tại TTT/Vũng Tàu và tốt nghiệp SQTT tại đây.
4. THỜI KỲ TỪ NĂM 1965–1975
Đây là Thời kỳ bận rộn nhất, khó khăn nhất của BCTT. Thời kỳ này QLVNCH có 13 Sư Đoàn Bộ Binh: SĐ1BB, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, 25, SĐ Nhảy Dù, và TQLC. Ngoài ra còn có một SĐ Biệt Động Quân đang thành lập kể từ đầu năm 1975.
Đầu năm 1965 Nha Truyền Tin đổi danh hiệu thành CỤC TRUYỀN TIN. (Tiếp tục giữ danh hiệu này mãi cho đến tháng 1/1975 thì đổi lại BCHVT QLVNCH với phạm vi hoạt động to lớn hơn, ngang hàng với các Tổng Cục. Đang chuẩn bị Kế Hoạch phổ biến thì tháng Tư Đen đến).
Để thực thi kế hoạch VN Hóa chiến tranh, BCTT đã cải tổ và thành lập thêm nhiều đơn vị với quân số lên tới hơn 20 ngàn. Cuối năm 1969 tại V2 và V4CT nâng cấp Tiểu Đoàn Khai Thác TTDĐ thành Liên Đoàn 66 và 67KTTT/DĐ. Dưới Liên Đoàn có các Tiểu Đoàn KTTT/DĐ. Và dưới TĐ là các TT/Viễn Thông thay cho các ĐĐ KTTT/DĐ.
* Tiểu Đoàn 610 KTTT/DĐ thuộc V1CT giữ nguyên cấp TĐ không thành lập LĐ.
* Liên Đoàn 65 KTTT/DĐ giữ nguyên danh hiệu và chỉ còn lại các Tiểu Đoàn tại Trung ương và V3CT.
Về ngành Yểm Trợ Tiếp Vận:
* Căn Cứ 60 Yểm Trợ Tiếp Vận đặt trực thuộc Tổng Cục Tiếp Vân, và liên hệ với Cục TT về mặt Kỹ thuật.
* Các Tiểu Đoàn Yểm Trợ TT tại các Vùng được tách ra khỏi BCTT để kết hợp với các đơn vị Yểm Trợ Tiếp Vận khác như Quân Cụ, Quân Nhu, Công Binh, v.v. thành lập những Liên Đoàn Yểm Trợ Trực Tiếp, trực thuộc quyền chỉ huy của các BCH Tiếp Vận Vùng.
Về Huấn Luyện:
Trường TT Vũng Tàu sát nhập vào Tổng Cục Quân Huấn và vẫn hệ thuộc với Cục TT về Kỹ thuật chuyên môn.
Tháng 10/1970, vì số lượng khóa sinh quá đông, Trường TT Vũng Tàu cho mở thêm “Chi Nhánh Trường TT Vũng Tàu", gần với Trường Chính, để huấn luyện phần SQTT căn bản, SQTT Trung Cấp, và Cao cấp. Đặc biệt là huấn luyện cho số chuyên viên ICS–DTE. Sau khi học xong một chương trình huấn luyện 13 tháng, vừa Anh Ngữ vừa chuyên môn, sẽ đi thực tập và làm việc (chương trình OJT=On Job Trainning) tại các Đài ICS–DTE của QĐHK.
HỆ THỐNG VIỄN THÔNG LIÊN KẾT ĐÔNG NAM Á (ICS–SEA=Integrated Communications System–South East Asia)
Nền Đệ II Cộng Hòa Miền Nam VN bắt đầu cũng là lúc Quân đội Hoa Kỳ cùng với các QĐ Đồng Minh trực tiếp tham chiến tại miền Nam VN. Để đáp ứng cho mọi nhu cầu LL về Hành Chánh, Tiếp Vận cũng như về hành quân trên bộ, yểm trợ hỏa lực B–52 từ các căn cứ Không Quân, và từ Đệ Thất Hạm Đội, Bộ Quốc Phòng HK thiết lập hệ thống “Viễn Thông Liên Kết Đông Nam Á” (ICS–SEA=Integrated Communications System – South East Asia) với phương tiện tối tân, hiện đại, tại Miền Nam VN. Hệ thống này ngoài phần liên lạc khắp miền Nam VN còn có thể liên lạc trực tiếp với các quốc gia Đông Nam Á. Trách nhiệm điều hành hệ thống do Lữ Đoàn 1 TTHK (1st Signal Brigade).
Đặc tính kỹ thuật của hệ thống ICS, là ngoài phần máy móc hiện đại có công xuất liên lạc cao, còn có kỹ thuật truyền sóng (chuyển tín hiệu) theo một phát minh mới (thời bấy giờ) đó là Troposcatter. Sóng hiệu Truyền Tin phát đi từ mặt đất xuyên qua không gian, lên gặp lớp hạ tầng khí quyển của địa cầu là lớp Troposphere (có bề dày 7 miles) thì tỏa xuống mặt đất và Đài Thu sẽ bắt được tín hiệu.
Trước đây, kỹ thuật truyền sóng mà Quân Đội Pháp đã áp dụng và VN tiếp tục sử dụng là loại phát sóng trên mặt đất, dùng loại antenna (Unifilière) bằng dây đồng, thật khó đi xa, và thường bị phá rối bởi thời tiết và giao thoa với các tần số khác.
Hệ Thống ICS bao gồm các Đài được nối kết với nhau như một mạng nhện bao trùm lãnh thổ VNCH. Như ta thường thấy những giàn Antenna có dáng hình nón (Conic) hay song song (Parabolic) đồ sộ, như muốn chọc thủng không gian, thường được thiết trí ở nơi phi trường, hay ở các đồi núi cao, nơi đó là Đài ICS (còn gọi là Đài Tropo).
Tại Sài Gòn, Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật có các Đài: Phú Lâm (Sài Gòn), Vũng tàu, Cần Thơ, Cà Mâu, Rạch Giá, Tây Ninh, Long Bình.
Vùng 2 Chiến Thuật gồm có: Nha Trang, Cam Ranh, Phi Trường Bửu Sơn (Phan Rang), Preline (Đà lạt), Pleiku, Ban Mê Thuột, Tuy Hòa, An Khê.
Vùng 1 Chiến Thuật gồm có: Đà nẵng, Vũng Chùa, Chu Lai, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị.
Tại các Tỉnh và Thành Phố không có Đài ICS thì được nối liền vào hệ thống ICS bằng hệ thống STS hoặc Viba.
Khả năng của hệ thống ICS có thể cho 350 mạch liên lạc (channel) trong đó có cả mạch Truyền Đồ (Facsimile Channel). Mỗi một mạch khi cho qua máy Chuyển Lưu Đa Mạch (CF=Carrier Freqency) có thể chuyển đổi ra 12 mạch. Như vậy khả năng có thể đến 350 x 12 = 4,200 mạch.
Ngoài việc liên lạc trong lãnh thổ VNCH, hệ thống ICS còn có một hệ thống Cable Đại Dương (Under Sea Cable) thiết trí sát đáy biển đi đến các thành phố Biển của VN như Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Qui Nhơn, Đà Nẵng và đến Subic Bay (Philippines), Okinawa (Nhật Bản), Bangkok (Thái lan). Các đầu cuối của đường cable khi lên nối vào Đài Đầu Cable (Cable Head Site). (Về bảo trì hệ thống Cable Đại Dương, vì quá tốn kém ngoài khả năng của VNCH nên phía HK vẫn tiếp tục duy trì ở phần Đại Dương, do hãng Bunco Remo của Nhật. VN lo bảo trì trên mặt đất sau khi nhận bàn giao).
Ngoài hệ thống ICS, CBH, QĐHK còn có những Tổng Đài Tự Động (DTE=Dial Telephone Exchange), mỗi Tổng Đài có từ vài trăm hướng trở lên, thường được thiết trí trong các phi trường, các căn cứ của QĐHK. Các DTE này được nối vào các Đài ICS.
Từ đầu năm 1969 theo kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, Cục Truyền Tin đã bắt đầu huấn luyện chuyên viên bằng cách:
* Gởi những SQ có khả năng du học tại Signal School Fort Monmouth, New Jersey, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp trở về sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên hệ trực tiếp với ICS–DTE.
* Trường TT Vũng Tàu thành lập Khối Huấn Luyện chuyên viên ICS–DTE gấp rút huấn luyện khi mãn khóa cho vào thực tập tại các Đài cùng với chuyên viên Hoa Kỳ.
* Một số tài nguyên đáng kể đó là số Thông Dịch Viên Anh ngữ vì Hoa Kỳ sẽ rút quân được thuyên chuyển sang Cục TT và được đưa vào chương trình huấn luyện.
* Trong thời gian huấn luyện, Cục TT và các Liên Đoàn Khai Thác TT/DĐ luôn luôn đôn đốc và giám sát, liên lạc chặt chẽ với phía Hoa Kỳ và đã giải quyết kịp thời mọi trở ngại khó khăn.
* Thêm vào đó, muốn nói về mặt Tâm Lý, thì thành phần khóa sinh được tuyển chọn theo học ngành ICS–DTE rất thích thú để theo học vì được trau dồi Anh Ngữ và làm một công việc hoàn toàn về kỹ thuật chuyên môn có giá trị.
* Hơn nữa mọi người đều thấy, nếu đem so sánh các hệ thống VTĐ, STS của ta đang xử dụng đối với hệ thống ICS–DTE của QĐHK đang xử dụng, chẳng khác nào “người đi xe hơi với người đi máy bay”. Do vậy mà mọi phần hành, mọi nhiệm vụ đều cố gắng, để đạt được kết quả tốt đẹp như mong muốn.
Ngày 28/1/1973 Hiệp định Paris ký kết, những gỉ cần chuẩn bị cho việc tiếp nhận các đài thì Cục TT đã chuẩn bị đầy đủ.
Tại Trung ương đã thành lập các Cơ Quan để Điều Hành, Yểm Trợ và Tiếp Liệu cho toàn Hệ Thống.
Tại các Liên Đoàn Khai Thác TT/DĐ, các Trung Tâm Viễn Thông, những đơn vị trực tiếp điều hành các Đài cũng đã được thành lập.
Tháng 7/1973, QLVNCH mà Đại Diện là Cục TT, chính thức tiếp nhận toàn bộ hệ thống ICS–DTE–CBH của QĐHK trên lãnh thổ VNCH.
Công việc Điều Hành, Bảo Trì hệ thống đòi hỏi BCTT phải tổ chức những Cơ Quan thay thế cho HK và làm việc giống như HK đã điều hành, đó là:
* Trung Tâm Điều Hành Viễn Liên (TT/ĐHVL) thay thế cho cơ quan DCA–SAM (Defense Communications Agency–South East Asia Mainland) của Bộ Quốc Phòng HK. Giám Đốc Trung Tâm là Đại tá NGUYỂN VĂN THỊNH, một Sĩ Quan có nhiều kinh nghiệm về Chỉ Huy và Khai Thác TT của Binh Chủng; và cũng đã mấy năm nghiên cứu, học hỏi và thực tập về các Đài ICS–DTE được giao phó nhiệm vụ.
* Trung Tâm Tiếp Vận Viễn Liên, tương đương với cơ quan AMSF (Area Maintenance and Supply Facility) của QĐHK.
CHT/Trung Tâm là Trung tá ĐỖ NGỌC UYỂN, người có kinh nghiệm lâu năm với ngành Yểm Trợ Tiếp Liệu vừa du học ở Signal School Fort Monmouth. New Jersey, HK về.
–Trung Tâm Quy Chuẩn Lục Quân (Army Calibration Center), CHT/Trung Tâm là Trung tá Đỗ Linh Quang. Một Sĩ Quan thâm niên trong Binh Chủng thuộc ngành Yểm Trợ Tiếp liệu, thu thập nhiều kinh nghiệm trong nghề Đo Thử, Sửa Chữa, Hiệu Chỉnh và các dụng cụ, máy móc TT.
* Và để giữ vững liên lạc 24/24 giờ mỗi ngày, một Hệ Thống Kiểm Soát và Báo Cáo sự hoạt động liên lạc trên các hệ thống ICS–DTE–CBH thật chặt chẽ từ các Đài về tới Trung ương được thành lập gồm:
Cấp Trung Tâm Viễn Thông có C – COC (Company–Communication Operation Control)
Cấp Tiểu Đoàn KTTT/DĐ có B – COC (Battalion– Communication Operation Control)
Cấp Liên Đoàn KTTT/DĐ có G – COC (Group– Communication Operation Control)
Trung ương, TT/ĐH/Viễn Liên A – COC (Agency–Communication Operation Control)
Mỗi sáng từ 8:00AM đến 9:00AM các Đơn Vị Trưởng, ngày nghỉ Sĩ Quan trực (Lệnh của Đại tá Cục Trưởng) phải có mặt tại COC để nghe nhân viên trực thuyết trình, báo cáo mọi liên lạc trong phạm vi trách nhiệm 24 giờ qua, phải giải quyết ngay nếu có trở ngại. Nhờ vậy mà con thuyền ICS–DTE–CBH êm đềm trên sóng nước.
Tóm lại từ lúc biết được kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, rồi đến lúc toán chuyên viên Truyền Tin tháp tùng phái đoàn VNCH phó hội “Hòa Đàm Paris” để lập LLTT từ Paris về Sài Gòn, Cục TT đã lo chuẩn bị những gì phải làm, để rồi tiếp nhận “Hệ Thống Viễn Thông Liên Kết Đông Nam Á” thành công tốt đẹp!
Có sự thành công này, chiến công đầu không ai khác hơn là các vị CHT/BCTT:
Đại tá PHẠM VĂN TIẾN (chức vụ từ 2/1965–10/1973). Người là một cấp Chỉ Huy tài giỏi, biết ước tính tình hình và đặt kế hoạch chu đáo cho việc Huấn Luyện, Điều Hành các Đài ngay từ giờ phút đầu có Kế Hoạch VN Hóa (vào cuối năm 1969). Giờ đây, Đại tá đã thành người Thiên Cổ nhưng, “Người” đã để lại trong lòng chúng ta bao Thương Tiếc Kính Yêu!
Kế nhiệm là Đại tá BÙI TRỌNG HUỲNH, (từ 10/1973 đến 4/1975) và cũng là vị CHT cuối cùng. Tiếp tục công việc vào thời gian hoàn toàn do VN điều hành các Đài, không còn lệ thuộc vào HK, biết bao khó khăn trở ngại nhưng đã vượt qua. Việc Khai Thác Liên Lạc trên mọi hệ thống, thật đều hòa.
Việc lượng giá về “phẩm tính của toàn Hệ Thống” vẫn đúng như lúc QĐHK đảm trách.
Kế đến là tất cả chuyên viên ICS–DTE cùng những Nhân Viên được giao cho nhiệm vụ Điều Hành hệ thống đã tận tâm học hỏi, tận sức làm việc.
SÁU MƯƠI NĂM NHÌN LẠI:
* Từ lúc thành lập BCTT năm 1951, nhận lại trong tay người Pháp, phương tiện liên lạc còn quá thô sơ, cho đến lúc có một hệ thống liên lạc Truyền Tin tối tân nhất Đông Nam Á.
* Từ lúc Bộ TTM của QĐQGVN, BCTT đã có 8 Đại Đội TT để phục vụ đất nước, cho đến giờ phút cuối cùng của tháng Tư Đen năm 1975, có trên 20 ngàn quân, nhân số bằng 2 Sư Đoàn.
* BCTT/QLVNCH đã cùng chung chiến tuyến với bao nhiêu Quân Binh Chủng bạn, trải qua bao nỗi thăng trầm của Chính thể VNCH: Đảo Chánh, Chỉnh Lý, Xâm lược, người Chiến Sĩ Truyền Tin QLVNCH vẫn thủy chung tuân hành theo Quân Lệnh, tôn thờ Một Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, không bè phái, không tham gia đảo chánh, không lợi dụng tập thể QĐ.
Phải chăng những cái “Không” đó mà các vị Chỉ Huy Trưởng BCTT không có ai mang lon cấp Tướng?
Người chiến sĩ Truyền Tin được giao phó cho công tác chuyên môn, làm việc trên khắp các miền quê hương đất nước, không giống như “đoàn quân hiên ngang trên đường ra chiến tuyến” “trống giục quân reo” và khi chiến thắng trở về là “ca khúc khải hoàn, nâng ly mừng chiến thắng” mà họ là những người âm thầm làm việc bằng khối óc và đôi tay để giữ vững liên lạc Truyền Tin 24/24 giờ mỗi ngày cho nhu cầu của QĐ của đất nước. Có mấy ai biết, có mấy ai hay!
Ai bảo BCTT chọn Chim Bồ Câu làm Biểu Tượng, vì nó quá hiền hòa, chỉ biết giang đôi cánh rộng mang tin bay đi muôn phương, nhưng mãi mãi không quên nơi tổ ấm, quê xưa lúc cần bay về, không bao giờ lạc lối.
Little Sài Gòn, những ngày đầu Tháng Tư Đen 2011
Cựu Thiếu tá Truyền Tin QLVNCH
Bồ Câu Nguyễn Bế
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
PHẦN 2
Huy Hiệu Binh Chủng Truyền Tin QLVNCH
Huy hiệu các đơn vị thuộc Binh chủng Truyền Tin QLVNCH
Danh Tướng TRẦN NGUYÊN HÃN đời Nhà Lê,
Thánh Tổ Binh chủng Truyền Tin QLVNCH
Bằng Truyền Tin QLVNCH (Kim loại)
Bằng Truyền Tin QLVNCH (vải thêu)
Cục Truyền Tin QLVNCH
Huy Hiệu Trường Truyền Tin QLVNCH
(may trên cánh tay trái chiến y của các chiến binh TT QLVNCH)
Huy Hiệu Truyền Tin
Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
TĐ60TT/QLVNCH
Căn Cứ Tiếp vận Truyền Tin
Đơn vị Truyền Tin Quân Khu
Liên Đoàn Truyền Tin Khai Thác Diện Địa
QK | LIÊN ĐOÀN TT | TIỂU ĐOÀN TT |
S À I – G Ò N | LĐ65TT/QLVNCH | TĐ650TT/ Khai Thác DÐ |
Những Đơn vị TT không rõ xuất xứ
TÐ66TT... | TĐ67TT... |
Huy hiệu Truyền Tin của các Sư Đoàn Bộ Binh QLVNCH
Huy hiệu Truyền Tin của các đơn vị Tổng Trừ Bị QLVNCH
Tiểu Đoàn TT/BCBĐQ, QLVNCH
Tiểu Đoàn TT/SĐND, QLVNCH
Tiểu Đoàn TT/SĐTQLC, QLVNCH
Huy hiệu Truyền Tin của các đơn vị Cơ giới QLVNCH
Tiểu Đoàn TT/BCPB, QLVNCH
Tiểu Đoàn TT/BCTG, QLVNCH
Tiểu Đoàn 272TT/
Giang Đoàn 54 Tuần Thám, HQ/QLVNCH
PHẦN 3
Hình ảnh về BCTT QLVNCH và
BCTT thuộc Quân đội Đồng minh Hoa Kỳ trong thời chiến
Không ảnh Trường Truyền Tin QLVNCH tại Vũng Tầu
Cửa chính vào Trường Truyền Tin Vũng Tầu
Một trạm chuyển tín hiệu Radio tại Đà Nẵng
Đài Quan sát Kỳ Hà tại Chu lai, tỉnh Quảng Tín
Địa thế tại Đài Quan Sát Kỳ Hà
Đài Quan sát Kỳ Hà
Huy hiệu của Toán MARS – QĐHK
Logo của Toán MARS – QĐHK (từ trái: Huy hiệu BCTT QĐHK; Khẩu hiệu (motto) của MARS;
Huy hiệu Lữ Đoàn 1 Truyền Tin thuộc BCTT Hoa Kỳ; Huy hiệu MARS)
Căn cứ Truyền Tin với các giàn Ăng–ten của hệ thống Liên lạc Tropospheric Scatter System
Máy phát điện cho 1 căn cứ Truyền tin phòng khi mất điện
Giàn Ăng–ten Microwave
Đây là phòng ăn tại 1 căn cứ Truyền tin của BCTT Hoa Kỳ ở Đà Nẵng vào một dịp Lễ Tạ Ơn
Một trong 4 đồn canh của căn cứ Truyền Tin Đà Nẵng
Hàng rào kẽm gai với mìn tự động bao quanh căn cứ
Một máy phát điện lưu động
Quang cảnh các máy phát điện lưu động và các kho chứa dụng cụ Truyền tin
trong 1 căn cứ TT của QĐHK tại Đà Nẵng
Đồn canh hướng bắc của căn cứ
Phía bắc của căn cứ TT do Tiểu đoàn 37TT BCTT Hoa Kỳ thiết lập tại Đà Nẵng
Đồn canh gác số 4
Doanh trại cho các chiến binh Truyền Tin nghỉ ngơi
Bản đồ với hình chữ nhật màu xanh là địa điểm của căn cứ Truyền Tin
nằm phía nam của phi trường Quân sự Đà Nẵng
Máy móc và dụng cụ Truyền Tin trong căn cứ
Trạm Điện thoại lưu động
Giàn Ăng–ten của hệ thống Liên lạc Tropospheric Scatter
Giàn Ăng–ten Microwave system
Căn cứ Truyền Tin Vũng Tầu
Căn cứ Truyền Tin Vũng Tầu
Căn cứ Truyền Tin Vũng Tầu nhìn từ thành Phố Vũng tầu
Bên ngoài Căn cứ Truyền Tin Vũng Tầu
Quang cảnh Căn cứ Truyền Tin Vũng Tầu Bãi Sau
Một Ăng–ten của hệ thống Liên lạc Tropospheric Scatter tại căn cứ Vũng Tầu
Căn cứ Truyền Tin Phú Lâm, cạnh phi cảng Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa
Căn cứ Truyền Tin Cần Thơ
Huy hiệu Binh Chủng Truyền Tin Hoa Kỳ (vải thêu – trái; kim loại – phải)
Huy hiệu Truyền Tin của các đơn vị Bộ Binh (US Army) Hoa Kỳ
Khái niệm về hệ thống liên lạc Tropospheric Scatter
Các "tầng" của bầu khí quyển địa cầu tính từ mặt đất lên
Bản đồ nơi đặt các đường dây nối liền các quốc gia trong vùng Đông Nam Á
với tiểu bang Hạ uy di, Hoa Kỳ và căn cứ Okinawa, Nhật Bản –
dùng trong hệ thống liên lạc Tropospheric Scatter.
Các đường dây này chạy ngầm dưới biển Thái Bình Dương
Giàn Ăng–ten của hệ thống liên lạc Tropospheric Scatter.
Giàn Ăng–ten lưu động của hệ thống liên lạc Tropospheric Scatter.
Giàn Ăng–ten đĩa đặt tại Bà Quẹo, Sài Gòn
Sơ đồ tổ chức của Bộ Tư Lệnh Truyền Tin – BCTT Hoa Kỳ
Huy hiệu Tiểu Đoàn 36TT Hoa Kỳ
Huy hiệu Tiểu Đoàn 44TT Viễn Chinh Hoa Kỳ
Máy Liên Lạc Vô tuyến hiệu AN/PRC–25 mà AE Nhảy Dù hay gọi là "pê–a–xê–hăm lăm".
PRC–25 được trang bị cho các đơn vị tác chiến cấp Trung đội trở lên. Máy này dùng hai loại Ăng–ten:
Dẹp (lá dứa) và cần câu (ăng–ten cần câu gồm nhiều đoạn và có thể xếp gọn lại được).
PRC–25 có tầm hoạt động trong chu vi 50km. Ngày 30/4/1975, Lữ Đoàn I Nhảy Dù QLVNCH
vượt biên bằng tầu thủy, và cố Trung tá Lê Hồng, Lữ đoàn phó đi trên con tầu của Bộ Chỉ Huy LĐIND,
đã dùng PRC–25 để liên lạc với các tầu TĐ8 và 9ND trên đại dương.
Sinh hoạt của một đơn vị Truyền Tin QLVNCH tại một tổng đài
Bản đồ của hệ thống Integrated Wideband Communications System
Trạm Truyền Tin Pleiku
Trụ Ăng–ten Microwave
Phòng máy điện thoại
Căn cứ Truyền Tin Pleiku
Phòng Điện thoại – Patch panel – tại Vĩnh Long
Tổng đài Điện Thoại Sài Gòn
Trạm Truyền Tin Bà Quẹo, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa
Bản Đồ Việt Nam và hệ thống liên lạc
Integrated Wideband Communications System (IWCS)
Điện thoại cầm tay PR6
Huy hiệu Lữ Đoàn I Truyền Tin thuộc
Binh chủng Truyền Tin, Quân Đội Hoa Kỳ
BKT ghi chú: Trang Huy hiệu BCTT/QLVNCH đến đây là hết. Nếu Quý độc giả và nhất là Quý ACE thuộc BCTT/QLVNCH thấy có gì sai hay còn thiếu sót, xin Quý vị liên lạc với BKT dùng hòm thư được niêm yết ở cuối trang này. Trân trọng. –BKT.
CREDITS
Bài viết: MN Đỗ Như Quyên, BĐQ/QLVNCH giới thiệu bài viết: Duyên Nợ Truyền Tin
Tiểu sử & Cơ cấu tổ chức BCTT: BKT sưu tầm (http://vnchttm.blogspot.com/2008/03/binh-chung-truyen-tin.html)
Định Mệnh (PDF)
Huy hiệu và Hình ảnh: BKT sưu tầm
Trình bày và Ấn loát: BKT
Hậu Duệ VNCH chép lại từ trang nhà của Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cậnhttps://nhayduwdc.org/st/hhqlvnch/hhtt/ndwdc_st_hhqlvnch_hhbctt_2015SEP03.htm
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen