Sonntag, 14. August 2016


Chưng môn  Lê Sáng
Được Sáng Tổ ủy thác thay người tiếp tục sự nghiệp của môn phái, tôi quy tụ lớp môn đệ theo Sáng Tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành võ sư cốt cán để cùng góp sức phát triển môn phái. Sau này chính các vị đó đã trở thành lớp võ sư ưu tú cùng với tôi phát triển Vovinam rộng rãi khắp các tỉnh thành miền Nam.

Ngày 1-11-1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, lúc đó là Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù cùng một số sĩ quan quân đội vây Dinh Độc lập đòi ông Ngô Đình Diệm từ chức nhưng bị dẹp tan. Sau cuộc chính biến này, chế độ Ngô Đình Diệm cấm các hoạt động võ thuật, do đó tôi phải tạm nghỉ dạy võ.
Một thời gian sau, ông Hải – em trai của Sáng Tổ – gặp khó khăn trong việc khai khẩn đồn điền trồng cao su và ra cây khai thác gỗ ở Ban Mê Thuột và Quảng Đức nên nhờ tôi lên trông coi giúp ông. Tôi nhận lời rời Sài Gòn cho mãi đến năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các võ phái được phép hoạt động lại, tôi mới trở về.
Sau mấy năm ngưng hoạt động, vừa về tới Sài Gòn tôi bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng và phát triển Vovinam. Kể từ lúc đó, danh xưng Vovinam được nối thêm là Vovinam-Việt Võ Đạo.
Tôi mở Trung tâm huấn luyện Vovinam ở số 61 đường Vĩnh Viễn tại Chợ Lớn, thành lập Ban chấp hành môn phái với hai cơ cấu :
1, Tổng cục huấn luyện.
2, Tổng đoàn thanh niên.

Tổng cục huấn luyện chuyên trách đào tạo võ sư, huấn luyện viên cốt cán, thường xuyên tổ chức các lớp đặc huấn trau dồi kiến thức tổng quát cho các huấn luyện viên cao cấp và võ sư chuẩn hồng đai. Tổng đoàn thanh niên đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ và cứu tế xã hội.
Tự lượng sức không thể đảm đương trọng trách một mình vì khả năng của tôi chỉ ở mức trung bình về mọi mặt, tôi lựa chon những môn sinh đã theo Sáng Tổ từ năm 1955 phụ giúp. Trong số này có hai người nổi bật là Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư.
Võ sư Phong là người giao thiệp rộng, có nhiều bạn bè tuy không phải là người của môn phái nhưng rất nhiệt tình trong việc tình nguyện tiếp tay với chúng tôi để tạo thế cho Vovinam. Về phần dạy võ, thời kỳ này chỉ có hai người đủ khả năng đứng lớp là tôi và võ sư Phong, bình thường tôi giao cho Phong dạy, sau đó khi ông đi quân dịch thì tôi phải đảm nhiệm.
Hai ông Phong và Thư có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau : Võ sư Thư chỉ chuyên tâm vào công việc chuyên môn trong nội bộ, còn ông Phong thì năng nổ,  chú trọng đến việc tạo thế bên ngoài.

Nếu phô trương mà không làm thì không được việc, nhưng nếu làm mà không có phô trương để gây thanh thế thì không có thế mà làm. Tôi dung hòa và phát huy mặt mạnh của cả hai người, bổ sung cho nhau trong công việc nên rất thành công.
Hai người này mà tách ra thì việc làm của từng người không có hiệu quả. Tuy nhiên khi họ hợp tác với nhau thì thanh thế ông Phong nổi bật hơn ông Thư nhiều. các hoạt động bên ngoài như tổ chức chương trình văn nghệ, ca nhạc, đi cứu trợ khắp nơi đều do Tổng đoàn thanh niên phụ trách nhưng lực lượng chủ yếu là lực lượng võ sinh của Tổng cục huấn luyện đào tạo. Chính vì vậy mà mọi người tưởng lầm đó là nhân sự của Tổng đoàn thanh niên do ông Phong phụ trách.
Năm 1973, tôi ban hành tiêu chuẩn tuyển chon người kế nhiệm,  theo đó mười võ sư cao cấp trong môn phái sẽ luân phiên đảm nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục huấn luyện (mỗi người một năm).
Võ sư Trần Huy Phong là người đầu tiên được giao phó trọng trách này vào năm 1974, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc văn phòng phát triển Việt Võ Đạo quốc tế.
Khi ban hành tiêu chuẩn này tôi đã đặt kế hoạch xây dựng cho ba miền là miền Đông, miền Tây và miền Trung, mỗi nơi có một trụ sở và võ đường lớn làm Cục huấn luyện Miền.
Cục huấn luyện miền Đông được xây cất xong vào cuối năm 1974 tại Biên Hòa. Đây là đất rừng cao su của ông Võ Thành Tây, tôi chọn một khu đất rộng 75.000 m2   được khoanh vùng, dự kiến xây dựng một làng Vovinam. Do không đủ kinh phí nên tôi đề nghị ông Tây cho trả dần, mỗi lần 1.000 m, do rất quý mến tôi nên ông Tây đồng ý. Vậy là Cục Huấn luyện miền Đông hình thành trên một khuôn viên 20×50 mét nằm ngay quốc lộ 1 trên đường vào thành phố Biên Hòa. Việc xây dựng kéo dài hai năm, với võ đường bề thế, bề ngang 12 mét, bề sâu 30 mét, thêm một dãy năm căn nhà làm văn phòng trụ sở rất khang trang, có cả bãi đậu xe và vườn hoa xinh xắn. Nhưng rất tiếc chúng tôi chưa kịp làm lễ khánh thành thì tới ngày giải phóng, sau đó khu nhà này thuộc về Nhà nước quản lý.
Trước đây Sáng Tổ chỉ giảng dạy lý thuyết truyền khẩu chứ không soạn thành văn bản tài liệu. Về đai đẳng và võ phục cũng chưa có qui định. Khi dạy võ nơi nào thì nơi đó ăn mặc theo đơn vị của mình, dạy cho thanh niên bên ngoài thì ở trần mặc quần đùi, một thời gian sau khá hơn sẽ mặc quần đùi màu vàng, khi được lên dạy võ thì mặc quần màu đỏ. Đến năm 1964, Hội đồng võ sư chúng tôi họp bàn đưa ra qui định về cách ăn mặc, màu đai. Các môn võ khác phần nhiều chọn võ phục màu trắng, còn chúng tôi chọn màu xanh đại dương, tượng trưng cho sự phóng khoáng bao la như biển cả.
Từ đó môn sinh được mang võ phục màu xanh với hệ thống đai đẳng :
–          Xanh (Sơ đẳng : ba cấp)
–          Vàng (Trung đẳng: ba cấp)
–          Đỏ (Cao đẳng: 7 cấp)
–          Trắng (Thượng đẳng: dành riêng cho Chưởng môn).
Trong thời kỳ đảm nhận chức vụ Tổng thư ký Tổng Cuộc Quyền thật Việt
Nam, tôi nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các môn võ cổ truyền, rút ra những tinh túy và tìm cách bổ túc đồng thời chỉnh lại phần phân thế thất truyền của những bài võ xưa. Từ đó mà lập ra hệ thống mới “một phát triển thành ba” cho Vovinam – Việt Võ Đạo sau này. Các kỹ thuật bài bản mới gồm:
–          30 thế chiến lược (nguyên tắc lấy công làm thủ)
–          20 thế vật căn bản với ba bài song đấu vật.
–          Song luyện dao găm.
–          Các bài quyền và khí giới: Thập tự quyền, Long hổ quyền, Việt Võ Đạo
quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Tứ tượng côn pháp, Nhật Nguyệt đại đao pháp, Bài Mộc bản, Bài súng gắn lưỡi lê, Song đấu búa rìu, Song đấu mã tấu.
–          Phân thế hai bài võ cổ truyền Lão Mai – Ngọc Trản.
Thực hiện di huấn của Sáng Tổ, nhờ sự phụ giúp đáng kể của hai võ sư
Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư tôi cũng hệ thống hóa kỹ thuật võ học và lý thuyết võ đạo để Vovinam tiến kịp thời đại.
Điều lệ, nội quy được soạn thảo ấn định mọi giềng mối, kỷ cương, luật lệ thi cử, phân công phân nhiệm rõ ràng, tuân thủ theo ba mục đích và năm tôn chỉ vốn là mục tiêu duy nhất của Vovinam từ khi mới thành lập đến nay.
Ba mục đích đó là:
–          Bảo tồn, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam.
–          Thâu thập, nghiên cứu, phát minh các bài võ mới.
–          Huấn luyện môn sinh về ba phương diện võ lực, võ thuật và võ đạo.
Cùng với 5 tôn chỉ :
– Mọi hoạt động của môn phái đều  xây dựng trên nền tảng lấy con người
làm cứu cánh, lấy đạo hạnh làm phương châm, lấy kỹ thuật và ý chí quật cường làm phương tiện.
– Môn phái Vovinam là một đại gia đình trong đó mọi người yêu thương, kính trọng, đùm bọc lẫn nhau,
– Môn phái Vovinam luôn tích cực góp phần vào công cuộc giáo dục thanh thiếu nhi.
–  Mọi hoạt động của Vovinam đều không có tính cách chính trị và tôn giáo.
– Môn phái Vovinam luôn tôn trọng các võ phái khác để cùng nhau xây dựng một nền võ học Việt Nam với tinh thần võ hữu thật sự.
Ba mục đích và năm tôn chỉ này không bao giờ thay đổi và chính điều qui định này cũng không được phép đổi thay.
Để hệ thống hóa được về kỹ thuật võ học lẫn lý thuyết võ đạo, tôi áp dụng phương pháp làm việc chung với mọi người. Đầu tiên tôi thuyết trình đề tài, tất cả mọi người đều ghi lại. Có ba cách ghi :
1 – Tóm tắt điểm chính.
2 – Làm sáng nghĩa bài giảng bằng cách thêm ví dụ.
3 –  Đưa ra phản luận.
Sau đó, tôi đúc kết bổ sung thành bài giảng chính thức. Muốn làm được điều này phải sống hòa đồng với mọi người, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác, vì người dở nhất cũng có điểm hay,
 người hay nhất vẫn có điểm sai, trăm điều ghi cũng có một điều sót. Nhờ vậy mà tuy khả năng có hạn, cuối cùng tôi cũng đã hoàn tất được công trình tương đối hoàn chỉnh đưa hoạt động của môn phái đi vào qui cũ nề nếp.
Nếu chỉ chú trọng vào võ thuật, bỏ nhiều thì giờ tập võ thì không có thì giờ nghiên cứu sâu, còn chỉ mãi mê nghiên cứu thì trình dộ chuyên môn sẽ không tấn tới. Nghĩ vậy tôi thu xếp vừa chuyên tâm vào nghề võ vừa dành thì giờ cho việc nghiên cứu, lại dựa vào sự góp ý của anh em nên làm được nhiều việc. Nhờ có được phương pháp làm việc khoa học và tấm lòng mà tôi đã tạo được sự thành công cho môn phái chứ không phải năng lực khác thường nào cả. Về sau nhiều môn sinh cũng học theo tính cách này của tôi.
Tóm lại trong hai năm 1964 và 1965, ý niệm Cách mạng Tam Thân của Sáng Tổ cùng toàn bộ tư tưởng võ đạo Vovinam được tôi hệ thống hóa, bổ sung, điều chỉnh – với sự góp ý của các cộng sự viên – cho phù hợp với thời đại rồi in thành sách để làm tài liệu giảng huấn và bài học lý thuyết dành cho việc thi cử của môn phái.Vovinam. Bộ sách nói trên gồm các tác phẩm :
–          Ý nghĩa màu đai.
–          Mười điều tâm niệm.
–          Tìm hiểu Võ thuật – Vỗ đạo.
–          12 phương châm tu dưỡng  hành xử.
–          Tác phong của người Việt Võ Đạo sinh.
–          Ý thức hệ võ đạo về nếp sống và tình cảm của Việt Võ Đạo.
–          Chủ thuyết Cách mạng Tâm Thân.
–          Vũ trụ quan, nhân sinh quan.
Tuy nhiên phải đến năm 1966, khi Vovinam  – Việt Võ Đạo được đưa vào
giảng dạy ở các trường học, mà công đầu là của võ sư Phùng Mạnh Chữ tự Mạnh Hoàng (1938 – 1967), chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn chỉnh với hệ thống bài bản rõ ràng từ Nhập môn tới Chuẩn hồng đai. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp đai.
Khi tôi đưa một số bài giảng cho ông Trần Ngọc Ninh – Tổng trưởng giáo dục của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ – xem qua, ông bèn quyết định bỏ môn học « Công dân » trong chương trình trung học mà thay bằng bài giảng của «Việt Võ Đạo» vì cho rằng tinh thần Việt Võ Đạo cao hơn, nhất là điểm kêu gọi dấn thân và hy sinh trong khi môn công dân chỉ chú trọng đến mặt hạnh kiểm.

Ông Ninh cũng cấp cho chúng tôi cơ sở tại sân vận động Hoa Lư ở quận 1 để xây dựng võ đường tập luyện. Sau khi ông Ninh thôi giữ nhiệm vụ thì đến ông Nguyễn Văn Thơ lên thay. Ông Thơ lúc ấy còn kiêm chức Chủ tịch hội Hướng Đạo sinh Việt Nam, vì vậy hai tổ chức Hướng Đạo và Việt Võ Đạo rất thân thiện với nhau. Tời gian này Vovinam bị đòi lại cơ sở tại sân Hoa Lư, tôi và Mạnh Hoàng lên gặp ông Thơ trình bày và sẵn sàng dời đi với điều kiện xin bồi hoàn lại số tiền đã bỏ ra sửa chữa. Thấy rõ thiện chí của Vovinam chỉ vì lợi ích của thanh niên, dốc công dốc của ra làm việc xã hội, ông Thơ đã hợp thức hóa cho Vovinam sử dụng sân vận động này. Về sau, mỗi khi Hướng đạo có cuộc họp lớn ông đều mời tôi tham dự vì cho rằng đường lối hai tổ chức có phần giống nhau.
Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm môn võ Judo thịnh hành, được đem dạy trong các trường học và trong quân đội. Thời kỳ Chính phủ của ông Trần Thiện Khiêm, lực lượng Đại Hàn vào Việt Nam đã đưa theo môn võ Taekwondo vào, môn sinh theo học môn võ này còn được tặng quà cáp và cấp tiền. Đến năm 1966 nổi lên phong trào người Việt Nam học võ Việt Nam thì Vovinam bắt đầu phát triển mạnh mặc dù môn sinh theo học môn này phải đóng tiền. Vovinam được dạy hầu hết trong các trường danh tiếng thời bấy giờ như Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt, Cao Thắng…và một số các trường Đại học. Thời kỳ từ năm 1970 đến năm 1974 là giai đoạn phát triển mạnh nhất của Vovinam.

Việc quảng bá Vovinam ngày càng mở rộng, tôi chỉ định các môn sinh ưu tú phụ trách các Cục huấn luyện ở khắp miến Nam, Cục huấn luyện miền Trung mở tại tỉnh Khánh Hòa do vó sư Trịnh Văn Mão tự Ngọc Minh phụ trách, Cục huấn luyện miền Đông tại Bình Dương do võ sư Ngô Kim Tuyền trông coi, còn võ sư Nguyễn Văn Nhàn một môn sinh đồng thời là nghĩa tử của tôi giữ chức Cục trưởng Cục huấn luyện miền Tây, trụ sở đặt tại Cần Thơ.
Từ năm 1974 Vovinam bắt đầu phát triển ra quốc tế do Giáo sư Phan Hoàng phổ biến đầu tiên. Dưới thời Ngô Đình Diệm ông trốn ra nước ngoài rồi học thi lấy ba bằng tiến sĩ đều hạng ưu, được người nước ngoài vị nể. Ông Phan Hoàng có học võ với Sáng Tổ một thời gian. Đối với tôi ai học võ với Sáng Tổ dù chỉ một ngày cũng là anh em đông môn.
Do nhu cầu phát triển quốc tế, tôi chính thức giao trọng trách thành lập liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo tại Pháp cho Giáo sư Phan Hoàng làm Chủ tịch với ban điều hành gồm năm võ sư nổi tiếng là lão võ sư Nguyễn Dân Phú, võ sư Hoàng Nam, võ sư Bùi Văn Thịnh, võ sư Nguyễn Trung Hòa và võ sư Phạm Xuân Tòng. Ngoài ra ông Hoàng còn kiêm nhiệm đại diện phong trào Việt Võ Đạo ở Âu Châu và Phi Châu.
Thời kỳ sau năm 1974, ông Phan Hoàng giúp đỡ cho người em út của ông Trần Huy Phong là Trần Phụng Dương (về sau đổi là Trần Nguyên Đạo) sang pháp du học, khi đó ông Đạo đang là môn sinh Vovinam ở cấp hoàng đai. Ông Phan Hoàng không giỏi Vovinam nhưng có uy tín trong tất cả các võ sư ngoại quốc nên đỡ đầu cho ông Trần Nguyên Đạo mở lớp dạy Vovinam rất thành công.
Thêm vào đó, những du học sinh là môn sinh Vovinam – Việt Võ Đạo đi du học trước và sau năm 1975, sau khi tốt nghiệp cũng mở lớp dạy Vovinam, nhưng chỉ là phong trào tự phát chứ không do môn phái cắt cử. Do vậy việc giảng dạy không thống nhất và đồng nhất, khả năng võ thuật của các đương sự cũng bị hạn chế.
Tháng 5 năm 1975, Sau khi giải phóng, tôi bị đưa đi học tập cải tạo. năm đầu tiên tôi bị giam ở khám Chí Hòa, gia đình không được phép thăm nuôi. Thời gian đầu tôi hy vọng chỉ bị cải tạo ba tháng vì nghĩ rằng mình không làm chính trị, nhưng sau ba năm vẫn chưa được về tôi đoán rằng có lẽ phải kéo dài đến mười năm. Quả nhiên phải hơn mười ba năm tôi mới được trở về.
Thời kỳ hơn mười năm từ sau năm 1975, trong thời gian tôi đi học tập cải tạo, môn phái lâm vào tình trạng hỗn loạn.
Khi nghe tin tôi đi học tập cải tạo, võ sư Nguyễn Văn Nhàn – lúc đó đang phụ trách Cụ huấn luyện miền Tây của Vovinam – trở về Sài Gòn đến sống ở nhà tôi tại đường Sư Vạn Hạnh, dù ông còn bố mẹ và đông anh chị em. Ông cùng người em kết nghĩa là võ sư Nguyễn Văn Sen tự nguyện đến chăm sóc mẹ tôi và đỡ đần em gái tôi lúc đó đang một nách hai con, đứa bé được sáu bảy tháng, đứa lớn được ba tuổi, còn chồng bị đi cải tạo.
Trong trại giam Chí Hòa, tất nhiên cuộc sống rất gay go, phải chung đụng với cả những thành phần cao bồi du đãng nhưng tôi vẫn cố gắng sống chan hòa với mọi người, coi như cùng cảnh ngộ.
Sang năm thứ hai tôi được phép nhận quà của gia đình. Khi có quà bao giờ tôi cũng phân chia cho tất cả mọi người, có nhiều biếu nhiều, ít biếu ít, gọi là có qua có lại. Đám cao bồi du đãng tại đây hễ thấy ai có quà đều xin. Tôi có nguyên tắc của mình, có thứ tôi biếu đều cho mọi người, riêng vài món đặc biệt tôi chia làm ba phần,  một phần biếu cho cả phòng, phần thứ hai chia cho những người có quan hệ thân hơn và phần còn lại giữ riêng cho mình.
Trong hoàn cảnh phức tạp tại đây, muốn sống yên ổn không phải là chuyện đơn giản. vài người xử sự không khéo, khi mới vào có thái độ cách biệt xem nhẹ đám cao bồi, đến khi chúng dọa nạt thì tỏ ra sợ sệt. Khi có thức ăn ngon như giò chả lại giữ riêng, vài ngày thức ăn bị hỏng rồi mới đem cho, người ta vẫn nhận vì trong cảnh thiếu thốn món gì cũng ngon, nhưng họ hậm hực trong lòng.
Có lần tôi chia quà thăm nuôi cho mọi người xong, một tay du đãng hỏi xin phần tôi cất riêng thì tôi nhẹ nhàng : « Các con thấy có bao giờ bố ăn một mình đâu, bố chia đều cho cả anh em. Các con lanh lợi có thể xin thêm được người này người khác, ở đây có những người hơi nhút nhát không dám xin ai bao giờ, bố để dành giúp cho họ ». Tôi nói thế nhưng hôm sau nó vẫn tới hỏi, tôi cũng nhất định từ chối, không để bị lợi dụng.
Đôi khi chúng hỗn với tôi thì tôi nhịn cho qua, nhưng nếu hỗn với người khác thì tôi có thái độ ngay, đó là quan điểm sống của tôi, bênh người cũng là giữ cho mình. Khi chúng gây sự với người khác, nếu mình ôn hòa khéo léo can thiệp, về sau nếu có người động đến mình thì tất nhiên sẽ có đồng minh. Con nhà võ có lợi thế ở điểm  không phải sợ ai. Nhiều người yếu đuối nên thành nhu nhược, thấy bọn du côn đàn áp người khác không dám có thái độ, khi chúng động đến chính mình họ mới phản ứng thì trễ rồi.
Do đó thời gian này tôi ở phòng nào thì phòng đó tương đối ổn định, vừa có lộn xộn tôi hòa nhã can thiệp ngay. Lẽ thường bọn du côn cũng tìm người yếu để dọa dẫm, nếu mình để yên cho nó bắt nạt, trước sau gì chúng cũng sẽ khống chế tất cả mọi người.
Trong suốt hơn 13 năm học tập cải tạo, trải qua nhiều địa điểm khác nhau từ Thuận Hải, Phú Khánh, Xuân Phước, Xuân Lộc…, tôi luôn giữ tâm mình thanh thản, nhường nhịn mọi người, cùng chia sẻ khó khăn với nhau, gặp chuyện bất đồng thì can thiệp. Ban quản giáo thấy tôi lớn tuổi lại có uy tín trong đám tù nên có ý cho tôi học nghề để tránh khỏi làm việc nặng nhọc nhưng tôi từ chối. Họ đề nghị tôi đi kiểm soát chỗ này chỗ kia, nếu thấy ai có ý trốn trại thì báo cáo, tôi cũng không nhận làm. Do vậy anh em ai cũng quý, tôi lớn tuổi nhưng có sức khỏe, việc làm gì nặng nhất tôi luôn xung phong cùng làm với anh em.
Khi cần thiết tôi cũng có thái độ cương quyết nhưng chừng mực nên không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Chẳng hạn có lần khi đi lao động, một số anh em lười biếng không chịu làm, dãy người sắp thành hàng dài, người đứng trước không nhúc nhích khiến tôi phía sau phải đứng yên theo, thế nhưng tôi lại bị cán bộ phạt. Lần đầu tôi chấp nhận, nhưng sau đó lại phạt nữa thì tôi phản ứng, cho rằng họ phải phạt những người đứng trước chứ không phải tôi. Tôi nể cán bộ nhưng nếu làm quá đáng thì không được. Thấy tôi cãi họ dọa bắn, tôi nói : « súng để dành bắn kẻ thù chứ sao lại bắn chúng tôi, không nên lãng phí đạn kiểu đó. Vả lại tôi không làm gì sai trái cả ».
Trong suy nghĩ của tôi, nếu lần đầu họ phạt không đúng mà mình có thái độ ngay thì không hay, đến khi họ phạm thêm nhiều sai lầm bắt buộc mình phải phản ứng. Đó cũng là nguyên tắc của Vovinam, đầu tiên là nhu, khi nào thái quá mới cương.
Sau hơn 13 năm qua nhiều trại cải tạo, đến năm 1988, trước Tết âm lịch mấy ngày tôi được trả tự do.
Trong thời gian tôi bị cải tạo, võ sư Trần Huy Phong là người điều hành Vovinam, ông cũng đi học tập nhưng chỉ một thời gian ngắn. Khi trở về tôi nhận thấy về mặt đời sống vật chất ông Trần Huy Phong có khá lên, có lẽ một phần cũng nhờ vào việc điều khiển môn phái trong thời gian vắng tôi.
Trong nội bộ lúc bấy giờ có nhiều lủng củng, nổi cộm nhất là việc xét thăng đai, mỗi người làm một cách nên nảy sinh bất hòa và tỵ hiềm với nhau.
Tôi mới trở về mọi người đã vội vàng yêu cầu phân xử, cứ tưởng chức Chưởng môn tôi nói ra điều gì anh em cũng răm rắp nghe theo.
Thật là sai lầm khi nghĩ rằng người lãnh đạo cứ việc làm theo ý mình là được mọi
 người tuân phục. Một người Chưởng môn sáng suốt phải biết được ý nguyện của tất cả môn sinh và giúp họ thực hiện ý nguyện đó, như vậy mới tranh thủ được sự đồng lòng của mọi người và khi đó lệnh của Chưởng môn sẽ được hưởng ứng hoàn toàn.
Một số người làm áp lực, yêu cầu tôi phạt võ sư Nguyễn Văn Nhàn, môn sinh đồng thời là nghĩa tử của tôi. Vào khoảng thời gian 1975, Nhàn là một trong những học trò gần gũi với tôi nhất, tự nguyện đến ở nhà tôi, đỡ đần gia đình tôi khi tôi đi học tập cải tạo. Võ sư Nhàn cũng là người đã hướng dẫn Nguyễn văn Sen gắn bó với Vovinam là môn sinh thân cận nhất của tôi. Sen và Nhàn là anh em kết nghĩa.
Sau năm 1975 võ sư Nhàn qua Pháp, nghe tiếng ông mọi gười rất vị nể dù sao đó cũng là nghĩa tử của Chưởng môn.. Ông Nhàn đã thẳng thừng phê phán các võ sư ở Pháp rằng họ đã làm không đúng với đường lối tôn chỉ của Vovinam. Ông còn nói thẳng với Trần Nguyên Đạo : » Chú phải về nước học thêm ít nhất là ba năm nữa mới đủ sức để dạy võ ». Từ đó mà nảy sinh mối bất hòa ngấm ngầm giữa ông Nhàn và một số võ sư.
Khi sang Pháp, ông Nhàn dạy Vovinam cho nhiều người, trình độ ông thuộc Hồng đai Đệ nhất cấp, có lần do yêu cầu công việc ông thăng đai cho môn sinh lên Hoàng đai Đệ nhị cấp, điều đó không hẳn là sai, nhưng do sự đố kỵ lúc đó, một số võ sư yêu cầu tôi áp dụng hình phạt.
Trên thực tế thì việc xét đẳng cấp đai có nhiều điểm tế nhị và phức tạp, không phải trường hợp nào cũng xét giống nhau. Có người tuy chưa đạt yêu cầu nhưng vì nhiệm vụ họ đang giữ đòi hỏi phải mang đến cấp đai tương ứng để làm việc, nhưng như thế thì phải công khai giải thích cho mọi người hiểu.
Do tình hình nội bộ bất ổn lúc đó, một số người muốn tôi chứng tỏ cho thấy sự công tâm của Chưởng môn đối với những hành vi sai phạm. Cụ thể là ngay cả nghĩa tử của mình, một môn sinh thuần hành và được mọi người vị nể, cũng vẫn bị phạt để răn mọi người.
Chuyện răn để làm gương là tốt, nhưng thật ra đây chỉ là một cách hạ uy tín nhau vì hiềm khích cá nhân, ông Nhàn bị phạt thì những người kia vui mừng. Tôi mới trở về sau một thời gian gián đoạn việc điều hành, trong tình hình rối ren bị phân hóa lúc đó, tôi đành chiều lòng để giữ yên nội bộ.
Gần mười năm ngưng hoạt động, các võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo trong nước đã quên nhiều đòn thế, bài bản, do đó bắt đầu có hiện tượng mạnh ai nấy làm. Đó là tình hình môn phái trong năm 1989 khi tôi trở về nắm lại việc điều khiển. Nhưng nhờ truyền thống gắn bó, hòa đồng lâu nay nên khi mọi người cùng ngồi lại ôn tập với nhau, mỗi người nhớ một đoạn đã ghép lại đầy đủ giáo án cũng như tài liệu cơ bản của môn phái.
Tôi liên tục mở những lớp tập huấn thống nhất chương trình. Trước năm 1975 chỉ có vài môn sinh đạt trình độ Hồng đai Đệ nhất cấp, sau năm 1989 tôi soạn thảo thêm chương trình đầy đủ từ Hồng đai Đệ nhất cấp đến Hồng đai Đệ lục cấp. Mọi cơ cấu tổ chức, phân công, phân nhiệm, kỳ hiệu, phù hiệu, danh xưng vẫn được áp dụng theo Qui lệ môn phái viết năm 1964.
Riêng Tổ đường có thêm phù hiệu mũi tên chỉ lên trời với bốn vòng xanh, vàng, đỏ, trắng bọc bên ngoài vòng âm dương và bản đồ Việt Nam.
Nội dung một số bài viết của tôi được các nhạc sĩ phổ nhạc, chúng tôi sử dụng làm nhạc hiệu của môn phái Vovinam. Ngoài ra còn có các bài hát nay đã trở nên quen thuộc với môn sinh Vovinam như Vovinam tâm ca, Tiễn biệt Sáng Tổ, Theo dấu một ánh sao, Thanh niên Việt Võ Đạo. v.v…
Trong thời gian tôi vắng mặt, một số võ sư đi ra nước ngoài quảng bá và phát triển Vovinam. Trước đây mỗi khi chỉ định một môn sinh về dạy võ ở tỉnh nào thì chính tôi đi mua vali, sắm sửa quần áo, đưa một ít tiền để họ tiêu xài trong vài tháng đến khi có được thu nhập ổn định để họ tự túc sinh sống. Nay các võ sư tự phát đi ra nước ngoài, do đó khi mới về tôi chưa nắm vững tình hình nên cũng không điều hành họ được.
Thành công trong việc quảng bá Vovinam ra thế giới từ sau năm 1975 là công lao của các võ sư sinh sống ở nước ngoài, phải công bằng ghi nhận công lao của họ mặc dù đó hoàn toàn là việc tự phát. Nhưng mỗi sự việc đều phải tùy thời, ở giai đoạn trước việc làm này có thể chấp nhận được, vì nếu thúc thủ chờ lệnh trên trong khi tôi vắng mặt thì môn phái không phát triển, cho nên việc tự phát ngày xưa là tốt thậm chí là công trạng. Vovinam chưa được bên ngoài biết tới, nhờ tự phát, võ sư học được đến đâu dạy đến đấy, mà môn phái được nhiều người biết tới.
Theo đề nghị của các võ sư hải ngoại, tôi chỉ thị họi Đại hội võ sư hải ngoại bầu Ban chấp hành và Thường vụ để làm gạch nối giữa văn phòng Chưởng môn và các võ đường tại nhiều nước khác nhau. Trong nước cung cấp tài liệu học tập cho hải ngoại còn Ban chấp hành và Thường vụ thì chuyển thỉnh nguyện của các võ sinh và huấn luyện viên về cho trong nước, phối hợp tổ chức chấm thi và tổ chức các lễ lớn của môn phái như lễ tưởng niệm Sáng Tổ.
Ngày 12 tháng 05 năm 1989, tôi gởi một Chỉ dụ cho toàn thể môn đồ của Vovinam tại hải ngoại nội dung như sau :
Tuy hiên, Ban chấp hành hải ngoại làm việc được một thời gian thì tan rã do nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Kể từ đó tôi chủ trương để Vovinam tại hải ngoại tiếp tục tự phát theo khuynh hướng, tâm cơ của mỗi người. Sau đó, căn cứ vào thành quả hoạt động cụ thể mỗi nơi mà công nhận hoặc hỗ trợ nếu có yêu cầu. Qua hoạt động phát triển môn phái, các môn sinh có dịp phát huy khả năng, tư cách, nhiệt tâm, đức hạnh. Ai có sức thu phục tất nhiên sẽ lãnh đạo được mọi người.
Thời kỳ những năm 90 là giai đoạn hết sức khó khăn cho tôi. Với cương vị Chưởng môn, tôi ý thức rằng đây không phải là một chức vụ tọa hưởng mà là một sứ vụ nặng nề, phải gạt bớt riêng tư, hiến thân phục vụ, lời nói phải trước sau như một, việc làm phải minh bạch, chín chắn, không bao giờ có những thay đổi đột xuất. Và nhất là phải công minh chính trực, không yêu ghét nhỏ nhen.
Tôi nỗ lực lo ổn định việc điều hành môn phái, cố gắng sao cho cả trong và ngoài nước trở thành một khối thống nhất và tận dụng mọi nhân lực của môn phái cũng như xây dựng một tòa nhà, thành phần mở trường trực tiếp dạy võ là nền móng, thành phần lãnh đạo là mái nhà. Nhưng dù nền móng có vững chắc, mái che có tốt, cũng vẫn chưa đủ để làm nên một tòa nhà bề thế, mà phải xây dựng đầy đủ những bức tường với sự thiết trí trang hoàng nội thất thích hợp.
Cuối năm 1992, nhân buổi họp mặt cuối năm trước các võ sư Hồng đai và các Trưởng câu lạc bộ Vovinam trong nước, tôi đã đọc bài sám hối trước anh linh Sáng Tổ Nguyễn Lộc như sau :
Thế rồi theo quy luật của cuộc sống, hết trầm rồi phải thăng, hết suy rồi tới thịnh, hết tan phải hợp, ovinam – Việt Võ Đạo dần dà đi vào nề nếp. Sau một thời gian phân hóa xáo trộn, lòng người lại càng thêm gắn bó.
Từ hơn mười năm nay rất nhiều võ sư nước ngoài – cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc – đã về Việt Nam để bái Tổ và học hỏi thêm kinh nghiệm. Một số võ sư nước ngoài đạt trình độ cao, đòn thế vững vàng hơn cả một số võ sư Việt Nam, vì muốn chuẩn hóa nên về Tổ đường ở trong nước để thụ giáo thêm. Chẳng hạn như là võ sư người Pháp tên là Patrick, nay đã đạt đến Chuẩn hồng đai, võ nghệ rất giỏi và đã từng dạy Vovinam nhiều nơi trên thế giới. Anh học Vovinam với võ sư Nguyễn văn Chiếu. Khi về đây ôn luyện, có lần Patrick hỏi tôi nếu người ngoại quốc giỏi Vovinam hơn người Việt nam thì thầy Chưởng môn nghĩ thế nào ? Tôi trả lời người nào giỏi thì mang đai lớn hơn, đó là lẽ công bằng và bình thường thôi.
Một võ sư khác là Furgen Schwerdtmann người Đức, dầu tiên do võ sư Nguyễn Tiến Hội truyền thụ, ôn luyện trao đổi với võ sư Nguyễn Thành Xê ở Đức rồi sang Úc học thêm với võ sư Lê Công Danh. Sau đó anh về Việt Nam học tập tại Tổ đường, nay đã lên đến Hồng đai Đệ nhất cấp.
Hiện nay hầu hết các võ sư điều khiển những võ đường Vovinam ở hải ngoại đã chấp nhận đi vào nề nếp của môn phái, chỉ còn một số ít vì chưa kiện toàn hoặc có ý khác nên chưa chính thức nối liên lạc với tôi. Tôi hy vọng đây chỉ là vấn đề thời gian, không bao lâu nữa tất cả sẽ quay về một mối.
Di sản Sáng Tổ để lại rất quý báu, đặc biệt lúc sinh thời ông chỉ giảng chứ không viết thành bài bản, có viết rồi cũng xé bỏ. Lúc còn trẻ tôi nhớ nằm lòng những lời thầy giảng nên sau khi Sáng Tổ mất, tôi tiếp tục nối sự nghiệp của Người đã ghi lại gần như đầy đủ. Trong tương lai nếu những sách này được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài thì chắc chắn đó là những tài liệu quý báu cho việc nghiên cứu võ thuật cũng như tinh thần triết lý của Việt Võ Đạo. Tôi tin tưởng rằng những tư tưởng này sẽ tồn tại, theo quy luật muôn đời thì dù có lúc nắng lúc mưa, lúc lên lúc xuống, nhưng những gì có giá trị luôn tồn tại với thời gian. Hiện nay Vovinam đã phát triển ra quốc tế, nhưng muốn dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha thì đòi hỏi người dịch phải có hiểu biết nhất định về môn võ để am hiểu rõ ràng nhất là về mặt tư tưởng, để nội dung các tài liệu được chuyển tải trọn vẹn tinh thần Vovinam – Việt Võ Đạo
Năm 1997 võ sư Trần Huy Phong qua đời vào lúc 19 giờ 35 phút ngày 13 tháng 12 (nhằm ngày 14 tháng 11 năm Đinh Sửu) tại nhà riêng ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và được hỏa thiêu vào sáng ngày 18 tháng 12 năm 1997 tại Bình Hưng Hòa.
Nhân đây tôi muốn nhắc lại thân thế và sự nghiệp của một người từng đóng góp nhiều công sức vào việc duy trì và phát triển môn phái Vovinam.
Võ sư Trần Huy Phong tên thật là Trần Quốc Huy, trong gia đình thường gọi thân mật là Trọng Bách. Ông sinh ngày 14 – 11- 1938 (Mậu Dần) tại xã Hải trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ; là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Bảng (1889 -1975) và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Nhạn (1913 –1993).
Cuối năm 1954, ông bắt đầu theo học Vovinam với Sáng Tổ Nguyễn Lộc tại võ đường Thủ Khoa Huân- Sài Gòn. Năm 1957, khi Sáng Tổ lâm bệnh không trực tiếp giảng dạy được nữa thì đến lượt tôi là người hướng dẫn võ sư Phong.
Dành gần trọn cuộc đời đóng góp cho sự nghiệp phát triển Vovinam – Việt Võ Đạo, võ sư Trần Huy Phong cũng là người đầu tiên được phong Hồng đai Đệ ngũ cấp (tương đương với Huyền đai Cửu đẳng tính theo hệ đẳng cấp quốc tế) vào năm 1989.
Khi đó tôi đã viết lời nhận xét đánh giá như sau : «Thầy Trần Huy Phong là người có công lớn thứ hai sau Chưởng môn trong quá trình khôi phục và phát triển Vovinam từ đầu thập niên 60 đến nay ».
Nhiều môn đệ của võ sư vẫn tiếp tục quảng bá Vovinam trong và ngoài nước. Ông cũng đã vận động hỗ trợ kinh phí tổ chức giải vô địch Vovinam – Việt Võ Đạo Việt Nam vào các năm 1992. 1993.
Trên tinh thần góp phần xây dựng và phát  triển văn hóa, giáo dục dân tộc, tháng 11 năm 1993, ông là thành viên nòng cốt của Hội đồng sáng lập đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tâm Thể trường Đại học dân lập Hùng Vương – Thành phố Hồ Chí Minh.
Võ sư Trần Huy Phong lập gia đình muộn. Ông kết hôn cùng cô Đặng Thị Xuân Loan vào năm 1996. Do căn bệnh ung thư hiểm nghèo đeo đẳng suốt mấy năm liền, sau ba lần qua Pháp trị bệnh, dù biết sức khỏe đã rất suy yếu, tính mệnh sắp lâm nguy, ông vẫn bình tĩnh , can đảm chống chọi với bệnh tật bằng một tinh thần lạc quan cũng như tiếp tục trao đổi nhiều ý kiến xây dựng cho các môn đệ.
Là người có nhiều tâm huyết với môn phái, hăng say trong công việc, có những tư tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách khó khăn, có tình thần đùm bọc giúp đỡ anh em cùng với khả năng giao tiếp rộng rãi, võ sư Trần Huy Phong đã lưu lại nhiều niềm thương tiếc trong thân hữu , bạn bè, gia điình và nhiều thế hệ võ sư, huấn luyện viên Vovinam – Việt Võ Đạo.
Trở lại việc lựa chọn người kế vị Chưởng môn, do có những xáo trộn trong nội bộ thời gian trước đây, tôi đã tự phạt mình bằng cách truất quyền chỉ định chức Chưởng môn.
Do đó chức kế vị Chưởng môn trong tương lai sẽ được tổ chức bầu trong môn phái. Hơn nữa những tiêu chuẩn đưa ra trước đây bây giờ không còn phù hợp nữa. Lớp võ sư ưu tú ngày trước nay đã già cỗi, một số môn sinh ngoại quốc sau mấy chục năm theo học đã có nhiều người tài giỏi hơn cả môn sinh Việt Nam. Về cơ bản cũng có nhiều thay đổi, người học võ trước đây phần đông trọng về tinh thần và võ thuật còn trình độ học vấn không cao. Bây giờ tiêu chuẩn học vấn phải cao, cũng như trước đây không cần ngoại ngữ, nay thì những người giữ cương vị phụ trách có lẽ cần phải có trình độ ngoại ngữ nhất định.
Ngoài ra cũng phải nghĩ đến việc chon một võ sư đầy đủ uy tín để giữ chức « Chủ tịch Vovinam Thế giới », vì hiện nay môn phái đã phát triển rộng rãi ở nhiều nước.
Tuy nhiên về nguyên tắc, võ sư kế vị Chưởng môn phải có nhiều ưu điểm hơn võ sư Chưởng môn và cứ thế tiếp tục mãi mới có thể đáp ứng được yêu cầu quảng bá của môn phái và ý chí vượt tiến của môn sinh trước tình hình môn phái Vovinam ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi một hệ thống lãnh đạo đa năng hơn.
Ngoài các tiêu chuẩn về nghi diện, đức độ, ý chí, kiến thức, khả năng, nếp sống, lề lối làm việc…,
 quan điểm của tôi là cương vị Chưởng môn nhất thiết phải được giao cho một người Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam, thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ và thường trú trong nước. Còn chức Chủ tịch Vovinam Thế giới có thể là người nước ngoài nhưng phải rành tiếng Việt.
Trong tương lai, phạm vi quyền hành của Chưởng môn cũng hạn hẹp chứ không còn trọn quyền trong tất cả mọi mặt như xưa nữa. Khi đó vai trò Chưởng môn sẽ chỉ như Nữ Hoàng của nước Anh hay Thiên hoàng của nước Nhật, chính Thủ tướng mới là người nắm quyền.
Chủ tịch Vovinam Thế giới thì tuy nắm quyền lãnh đạo môn phái trên phạm vi toàn cầu, nhưng trên thực tế mỗi võ đường đều tự điều hành, không ai có quyền can thiệp vào nội bộ của họ.
Chưởng môn hay Chủ tịch đều do anh em bầu ra và có thể qui định thời gian, chẳng hạn một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Chỉ có chương trình học tập, thi cử là thống nhất, còn tổ chức lễ hội và cúng giỗ thì chia ra phù hợp theo từng vùng. Thi đấu, hội diễn có thể cùng nhau tổ chức chung, nhưng hoạt động võ đường tùy theo khả năng riêng.
Trụ sở Vovinam tại đường Sư Vạn Hạnh hiện nay vẫn duy trì làm Tổ đường và võ đường (năm 1982 nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi giải tỏa theo qui hoạch của thành phố. Do toàn bộ gia đình Sáng Tổ sống ở ngoại quốc nên các môn sinh đã bốc mộ, hỏa thiêu hài cốt của Sáng Tổ và mang về thờ tại Tổ đường).
                                                             

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen

  T ỔNG TH ỐNG ĐẮC CỬ DONALD TRUMP LÊN KẾ HOẠCH TRỪNG PHẠT ICC VÌ CHỐNG LẠI ISRAEL. Chính quyền mới của Donald Trump có kế hoạch hành động c...