Mỹ được kỳ vọng phát thông điệp mạnh mẽ
về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La
Đại tướng James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Militarytimes
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ tuyên bố tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông và hối thúc Trung Cộng tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.
Bộ trưởng Mattis sẽ phát biểu trong phiên họp toàn thể với chủ đề “Mỹ và an ninh châu Á – Thái Bình Dương” tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore từ ngày 2 đến 4/6. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Mattis về khu vực này kể từ khi ông giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tháng Giêng năm 2017.
“Tôi tin phái đoàn Mỹ sẽ có thông điệp mạnh mẽ về Biển Đông”, Alexander Neill, chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La, trả lời báo Việt Nam. Ông cho rằng Bộ trưởng Mattis sẽ đề cập đến các biện pháp Hoa Kỳ sẽ áp dụng ở Biển Đông. “Những biện pháp cụ thể sẽ là tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải và tập trận quân sự Mỹ ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông cũng như các chuyến tuần tra của máy bay P-3, P-8”.
“Sẽ có sự quan tâm rất lớn về cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis định hình chính sách an ninh quốc phòng Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương với các đồng minh của Mỹ và cả đối thủ cạnh tranh là Trung Cộng”, John Chipman, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ban tổ chức hội nghị, cho biết trên trang web.
Thông điệp của ông Mattis trước các bộ trưởng quốc phòng và đại biểu hàng chục nước tham dự diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên tại Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, khiến Trung Cộng phản đối mạnh mẽ.
Ngày 24/5, tàu khu trục USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, một trong 7 đá bị Trung Cộng bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu còn thực hiện bài diễn tập “cứu người rơi khỏi tàu” khi tiến vào khu vực.
Đây được coi là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhắm tới hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Cộng trên vùng biển chiến lược này, đồng thời phát đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng họ không có quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo.
Bà Bonnie Glaser, học giả kỳ cựu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), cho rằng ông Mattis sẽ nhấn mạnh cả mối đe dọa đang gia tăng của Bắc Hànvà vấn đề Biển Đông.
“Tôi nghĩ ông sẽ nói rằng lực lượng Hoa Kỳ hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mỗi ngày, bao gồm Biển Đông, mọi chiến dịch được thực hiện theo luật quốc tế và thể hiện rằng Mỹ sẽ khai triển máy bay, tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Tôi hy vọng ông sẽ đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài và hối thúc Trung Cộng tuân thủ“, bà Glaser nhận định.
Các bộ trưởng Quốc phòng Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và New Zealand và Philippines cũng sẽ tham dự hội nghị. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull dự kiến có bài phát biểu khai mạc tối 2/6.
Phía Trung Cộng cử Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tại hội nghị và sẽ phát biểu tại một phiên đặc biệt, Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của IISS, thông báo trên tài khoản Twitter.
Bà Glaser nhận định đây là “sự giảm cấp đại diện của Trung Cộng trong những năm gần đây”. Cả bà Glaser và ông Huxley đều cho rằng nguyên nhân là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Cộng đang bận rộn cải cách nội bộ trong tình hình Đại hội 19 đảng Cộng sản của nước này sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Các phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ xem xét vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương, thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng, xử lý khủng hoảng trong khu vực và các chủ đề khác. Ngoài ra, hội nghị còn có các phiên đặc biệt về sự nguy hiểm của hạt nhân, công nghệ mới nổi, tránh xung đột trên biển.
Được tổ chức từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối lo ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực.
Theo nguồn tin IISS, CSIS
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen