PHỤC HỒI SỰ THẬT LỊCH SỬ VỀ TRƯNG NỮ VƯƠNG
Việt sử là tranh đấu sử đáng tự hào của người Việt trong suốt chặng đường mở nước và dựng nước của ông cha ta. Những nhà viết sử trước đây vì thiếu tài liệu nên thường dựa vào sách sử của người Hán cũng như Hậu Hán Thư của phương bắc, nên có nhiều đoạn sử bị sai lệch.
Chúng tôi Hậu Duệ VNCH, xin được giới thiệu những góc khuất của lịch sử về Hai Bà Trưng do sử gia Phạm Trần Anh nghiên cứu và làm sáng tỏ những đoạn sử sai từ nhiều thế kỷ qua về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:
1. Trưng Nữ Vương khởi nghĩa giành độc lập dân tộc: Từ trước tới nay, chúng ta cứ tin theo Hán sử với luận điệu “Thiên triều” cho rằng Tô Định là tên thái thú tham lam tàn bạo nên Hai Bà Trưng mới nổi dậy. Đây chính là luận điểm của Hán tộc cho rằng dân Việt vẫn chịu thuộc Hán nhưng chỉ vì Thái Thú tham lam tàn bạo nên người Việt mới chống lại. Hán sử chép năm 29, Hán triều cử Nhâm Diên sang làm Thái Thú Cửu Chân đến năm 32, Hán triều đã phải bãi chức thái thú Cửu Chân của Nhâm Diên. Hai năm sau lại triệu hồi Thái thú Giao Chỉ Tích Quang về kinh, đến năm 34 mới cử Tô Định là viên võ quan làm Thái Thú để đem quân đi đánh chiếm lại những vùng đã thuộc quyền tự chủ của người Việt. Giao Chỉ, Cửu Chân thời kỳ này còn ở Nam Trung Quốc. Tình hình miền Nam Trung Quốc (Hoa Nam) là lưu vực phía Nam sông Dương Tử hết sức rối ren nên nhân lúc Hán triều suy yếu, thủ lĩnh các địa phương lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại độc lập tự chủ, mỗi người hùng cứ một nơi. Anh hùng Khôi Hiệu rồi Công Tôn Thuật chiếm cứ Ba Thục, Lý Quảng chiếm giữ Hoãn Thành tỉnh An Huy, Duy Dĩ chiếm Hồ Nam rồi xưng là Sở Lê Vương đã tạo thành một cao trào giải phóng dân tộc.
2. Trưng Nữ Vương khởi nghĩa ở Trường Sa Hồ Nam Trung Quốc bây giờ chứ không phải ở Mê Linh Hà Nội như sách sử cũ chép:
Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng Mê Linh thuộc hàng danh gia vọng tộc nên nuôi dưỡng hoài bão “Nối lại nghiệp xưa vua Hùng”. Trưng Trắc lấy chồng tên là Thi, danh sĩ đất Giao Châu cùng chí hướng, con trai của Lạc tướng Chu Diên là người có chí khí hơn người. Sách Lĩnh Nam Trích Quái chép: “Hai Bà Trưng vốn dòng họ Hùng, chị tên Trắc, em tên Nhị người ở huyện Mê Linh đất Phong Châu, con gái quan Hùng Tướng đất Giao Châu”. Sách Cựu Đường Thư của Lưu Hú chép: “Phong Châu ở Tây Bắc An Nam, Sở trị là Gia Ninh. Đời Hán, huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ là đất của Văn Lang Di xưa”. Sách Thủy Kinh Chú chép về địa danh Mê Linh rõ hơn: “Huyện Tiến Tang là Đô Uý Trị ở miền Nam quận Tường Kha. Trên sông có cửa quan nên gọi là cửa Tiến Tang…”. Sử Trung Quốc chép rằng “Sau khi xâm chiếm Nam Việt 111 TDL, Hán Vũ Đế ra lệnh cho 8 Hiệu Úy tấn công Thả Lan, Tây Nam huyện Hoàng Bình Quý Châu, giết chết mấy vạn người “Nam Di” rồi đặt quận Tường Kha. Dạ Lang Hầu thấy Nam Việt bị tiêu diệt rồi nên phải quy thuận theo Hán và được Hán Vũ Đế phong làm Dạ Lang Vương”. Nước Dạ Lang của tộc Việt trở thành quận Kiện Vi ở phía Bắc và Thương Ngô ở phía Nam. Như vậy rõ ràng là sông Mê Linh nằm ở cửa Tiến Tang miền Nam huyện Tường Kha tỉnh Hồ Nam Trung Quốc chứ không phải ở Bắc Việt Nam như các sử gia vẫn chép từ trước đến giờ. Đất Mê Linh lúc trước gọi là My Linh thuộc nước Sở (Sở Việt đồng chủng), về sau là vùng Trường Sa, Phan Hồ tỉnh Hồ Nam, nơi mà Hán Vũ Đế đặt “Đô Uý Trị” ở đó năm Nguyên Đĩnh thứ 6 tức năm 111 TDL sau khi đánh chiếm quốc gia Nam Việt của tộc Việt.
Việc liên kết hai dòng họ không qua mắt được quân thù nên khi Tô Định đem quân Hán xâm lược đánh thẳng vào Phủ Trị để bắt hai vợ chồng Trưng Trắc. Thiên Nam Ngữ Lục chép: “Khi thấy quân Tô Định thế mạnh, Thi khuyên vợ nên đi đường tắt về Hát Môn. Nhân đấy hai chị em kéo về Hát Môn, lập thành lũy chuẩn bị dụng binh. Thế cô nên Thi không chống cự nổi bị Tô Định giết chết, đốt phá dinh thự. Tin dữ truyền đến Hát Môn, chị em Trưng Trắc quyết chí báo thù, truyền hịch đi khắp thiên hạ dấy nghĩa”.
Thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam có ghi chép trận đánh hồ Động Đình như sau: “Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường giang, hồ Ðộng đình, oán khí bốc lên tới trời”. Hiện nay di tích về nữ tướng Phật Nguyệt có rất nhiều ở thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam) và trong dãy núi Ngũ Lĩnh. Hán Sử chép lại lời buộc tội Mã Viện của Phò mã Lương Tùng tâu lên vua Quang Vũ: “Trận Động Đình hồ bị Phật Nguyệt đánh tan ba mươi vạn quân. Trận Nam Hải bị Thánh Thiên giết bốn mươi vạn. Phụ hoàng sai y đánh Lĩnh Nam, làm thiệt bốn mươi vạn quân, các đại tướng danh tiếng Phùng Đức, Sầm Anh, Liêu Đông Tứ Vương chết.”. Lời tâu của Phò mã Lương Tùng đã nói lên thiệt hại to lớn của quân Hán cùng những chiến thắng oanh liệt hào hùng của các nữ tướng Lĩnh Nam xưa kia.
Trận chiến đầu tiên xảy ra đầu năm kỷ Hợi 39 DL được “Địa phương chí” của sở du lịch Trường Sa Trung Quốc xác nhận như sau: “Miếu thờ Liệt nữ Trần Thiếu Lan ở đầu sông Tương”. Như vậy, trận đánh đầu tiên của Trưng Nhị cùng các tướng Phật Nguyệt, Trần Năng, Trần Thiếu Lan, Lại thế Cường đánh Trường Sa vào đầu năm Kỷ Hợi tức năm 39. Trong trận đánh này, Nữ tướng Trần Thiếu Lan đã hi sinh được quân dân mai táng ở ghềnh sông Thẩm Giang. Thẩm Giang là một đoạn sông ngắn ở phía Bắc tiếp nối với hồ Động Đình. Sự kiện này cũng được ghi trong “Quốc phổ thời Nguyễn” chép rằng các sứ thần nước ta từ các triều Lý, Trần, Lê ... khi đi ngang qua đây đều sắm lễ vật đến cung miếu thờ vị liệt nữ anh hùng dân tộc Trần Thiếu Lan. Trong đền có đôi câu đối:
Tích trù Động Đình uy trấn Hán,
Phương lưu thanh sử lực phù Trưng …
Động Đình chiến sử danh trấn Hán,
Sử xanh ghi mãi sức phù Trưng ..!
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sĩ thì khi Mã Viện huy động đại quân tiến đánh quân ta, Hai Bà giao cho 3 vị tướng họ Đào là Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống và Đào Tam Lang có nhiệm vụ trấn giữ Tượng quận là vùng đất ở giữa Vân Nam và Quảng Tây. Quân số ít oi, ba vị tướng họ Đào đã tử thủ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân địa phương trân trọng lập đền thờ bên trong có đôi câu đối:
Tượng quận giương uy nhiêu tướng lược,
Bồ Lăng tuẫn tiết tận thần trung … (5)
Sử gia Đào Duy Anh và các nhà viết sử trước đây cứ sao y bản chánh Hán sử chép rằng Bồ Lăng nay là bến Bồ Đề ở ngoại ô thành Thăng Long. Họ cứ nhắm mắt tin vào cái gọi là “chính sử” mà quên đi một điều là các sử gia Hán đã cố tình bóp méo sự thật, lấy tên cũ đặt cho vùng đất mới để xoá nhoà dấu vết của địa danh xưa cũ thời Văn Lang còn trải rộng khắp Hoa Nam. Trong khi đó “Việt Chí” và ”Thiên Nam Ngữ Lục” là thiên trường ca lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến đời hậu Trần gồm 8.136 câu viết theo thể lục bát chép rằng:“Hai Bà Trưng sau khi đánh chiếm được 65 thành thì bị đại quân của Mã Viện tiến đánh. Hai Bà chống cự không nổi phải rút lui dần”. Hai Bà không bị Mã Viện chém đầu mang về Lạc Dương như Hậu Hán thư chép và Hai Bà cũng không nhảy xuống tuẫn tiết trên dòng sông Hát như dân gian truyền miệng mà Hai Bà vẫn tiếp tục chiến đấu như trong “Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện” chép lại. Nguồn: https://www.facebook.com/100005574511632/videos/1628837337312068/
Mặt khác trong khi sử Trung Quốc “Hậu Hán thư” chép là Hán Quang Vũ hạ chiếu cho các quận Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ sắm sửa thuyền xe, sửa chữa cầu đường, thông miền khe núi, tích trữ lúa gạo từ những năm 40-41 thì thời gian này, Mã Viện còn lo đánh Duy Dĩ ở Hồ Nam và Lý Quảng ở Hoãn Thành tỉnh An Huy TQ bây giờ. Mãi đến năm 42, Mã Viện mới được phong là Phục Ba tướng quân đem hơn vạn quân các quận tiến đánh Hai Bà Trưng. Trong khi sách sử chép rằng trong vòng 1 tháng, Hai Bà Trưng đã đánh chiếm 65 thành trì khắp 6 quận miền Hoa Nam bao gồm Cửu Chân, Nhật Nam, Giao Chỉ, Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải thì làm sao có thể huy động được quân của các vùng này như Hậu Hán thư đã chép. Nếu có thì chỉ huy động được hơn một vạn quân sau khi thắng Lý Quảng ở Hoãn Thành An Huy và Duy Dĩ ở Hồ Nam để đánh Hai bà ở Trường Sa và vùng hồ Động Đình mà thôi.
Sử gia Phạm Trần Anh 14.03.2021
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen