Huyền thoại Hoàng Cơ Minh: "Vị tướng kháng chiến duy nhất - tự sát tại mặt trận sau 1975"
LÝ KIẾN TRÚC
(Hiệu đính và bổ sung)
LTS: Người viết bài này xác định không là "hội viên", hay "member" của Mặt Trận hay của Việt Tân, nhưng không chối là một thân hữu khá gần gũi với anh chị em VT nhiều năm. (Đôi lúc còn là "mục tiêu đáng gờm" của MT và VT, chuyện có lúc bị lên án "dở" - sẽ nói sau). Với chức năng và trách nhiệm của một nhà báo, trước những sinh hoạt của các tổ chức ái hữu cộng đồng, các tổ chức chính trị, nhà báo có ý thức loan tải vô vị lợi, khách quan, vì đó là những hoạt động đóng góp vào sự thăng tiến không ngừng của một sắc dân trẻ trên xứ sở Hiếp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dưới góc cạnh riêng, nhân vật được miêu tả dưới đây không thể phủ nhận đó là một con người canh cánh tâm hồn ray rứt về quê hương, dân tộc ... Bài viết không đề cập đến những công việc kỹ thuật gây sóng gió).
Hoàng Cơ Minh: “Tôi không tin là trong đời mình sẽ thấy Việt Nam được giải phóng khỏi chế độ Cộng sản. Nhưng tôi thà chết trong rừng như một thảo khấu còn hơn làm một người tỵ nạn ở hải ngoại.”*
Vài mốc lịch sử:
- Tháng 5/1975: Phó Đề đốc Hải quân Hoàng Cơ Minh chỉ huy soái hạm HQ-3 di tản chiến thuật đến Guam, tạm trú trong trại Barrigada. Tại đây, Tướng Minh đã "mơ về đường mòn Hoàng Cơ Minh, áo bà ba đen, quấn khăn rằn Nam bộ". (*)
- Năm 1980: Tướng Hoàng Cơ Minh và Đại tá Phạm Văn Liễu gặp nhau ở San Jose bàn chuyện đại sự.
- 30/4/1980: Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam thành lập. Chủ tịch Mặt Trận: Tướng Hoàng Cơ Minh. Đại tá Phạm Văn Liễu: Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại.
- 18/8/1981 - 26/11/1981: Tướng Hoàng Cơ Minh và 14 chiến hữu gồm có các vị như: là Trung tá Lê Hồng, ô. Nguyễn Trọng Hùng, Trương Tấn Lạc, Nguyễn Thành Tiễn, Trần Thiện khải, ... rời Hoa Kỳ đến Bangkok liên lạc với tướng Thái Hadsayin thuê đất, thuê rừng nằm ở biên giới Thái-Lào, thuộc làng Nong Noi, tỉnh U Bon, lập căn cứ khu chiến.
- 26/11/1981: Tại khu chiến căn cứ 81 Nong Noi, Tướng Hoàng Cơ Minh cùng 14 chiến hữu công bố Cương Lĩnh Chính Trị cùa MT trong một buổi lễ.
- 10/9/1982: Việt Nam Canh Tân Cách Mạng đảng (Việt Tân) thành lập trong buổi lễ tại khu chiến 81. Tướng Hoàng Cơ Minh sáng lập và là vị Chủ tịch đảng đầu tiên. Cương lĩnh và Chủ trương của Việt Tân là "chấm dứt độc tài và canh tân đất nước".
- 16/4/1983: Tướng Hoàng Cơ Minh và các ông Bùi Đức Trọng, Trương Tấn Lạc, Nguyễn Trọng Hùng từ khu chiến về tham dự Đại hội Chính nghĩa tổ chức tại thành phố Garden Grove, Quận Cam nam California. Hàng ngàn người, rừng cờ đón từ phi trường Los Angeles đến Garden Grove.
- 28/4/1983: Đại hội Chính nghĩa tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đống. Hàng ngàn người, rừng cờ tham dự.
- 27/12/1983: Đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến do Kháng chiến qân Ngô Chí Dũng làm trưởng đài. Ngô Chí Dũng còn rất trẻ, được coi như thủ túc đắc lực của Hoàng Cơ Minh. Nhiều ý kiến cho rằng Dũng là một trong số ít kiến trúc sư sáng lập đảng Việt Tân, bên cạnh có Nguyễn Kim và Lý Thái Hùng.
- 27/12/1984: Hội đồng Kháng chiến toàn quốc ra quyết định giải nhiệm trách vụ Đại tá Phạm Văn Liễu Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại, Trung tá Nguyễn Kim Hườn từ khu chiến về thay thế.
- Năm 1985: Chiến dịch Đông Tiến I, vượt sông Mekong, qua Nam Lào do Đại Tá Dương Văn Tư chỉ huy. 20 kháng chiến quân hy sinh. (*)
- Năm 1986: Chiến dịch Đông tiến II lần thứ nhất với 130 kháng chiến quân tiến về phía Đông-Nam nhưng vượt sông Mekong tại Pác Xế bất thành nên đành phải rút. Tất cả các căn cứ, hậu cứ khu chiến sau đó theo lệnh đều bị xóa sạch. Tướng Hoàng Cơ Minh và các Quyết đoàn Kháng chiến quân chỉ có đi - không có về.
- Năm 1987: Chiến dịch Đông Tiến II lần thứ hai, sau 48 ngày đêm vượt rừng núi với 110 kháng chiến quân vượt sông Mekong. Đêm 27/8/1987, trong trận huyết chiến cuối cùng tiến về Sa Thầy, Kontum, toàn bộ chỉ huy chiến dịch tan vỡ, Tướng Hoàng Cơ Minh Minh, các lãnh đạo khác tự sát, chiến hữu chôn vùi xác tướng Minh bên bờ suối thuộc vùng Atopeu, Nam Lào một số lớn Kháng chiến quân bị bắt. Nhạc sĩ Trần Thiện Khải, người sáng tác bài "Trăng Chiến Khu" cũng đã tự sát sau khi bị thương trong chiến dịch này. (*)
- Năm 1990: Thiếu úy mũ đỏ Đào Bá Kế Tiểu đoàn 1 và 9 Nhẩy dù (gia nhập Mặt Trận tháng 12/1984), Quyết đoàn trưởng trong chiến dịch Đông Tiến III với hơn 30 Kháng chiến quân theo con đường của "Ông Thầy", vượt rừng núi biên giới Thái - Lào, vượt sông Mekong tiến vào đất Việt, đụng trận, bị bắt, ra tòa, CS kết án 17 năm tù.
- 22/4/1991: Bốn cán bộ của MT bị câu lưu ra tòa về tội không khai thuế.
- 15/6/1996: Tòa án hạt Santa Clara ra phán quyết hủy bỏ vụ truy tố.
- 1996-2004: Mặt Trận gần như im lặng.
- 19/9/2004: Đảng Việt Tân chính thức ra mắt tại Bá Linh, hơn một ngàn đoàn viên khắp thế giới về tham dự. Đại hội bầu ông Lý Thái Hùng làm Tổng Bí Thư, ông Nguyễn Kim Hườn làm Chủ tịch đảng. (Nhà báo Lý Kiến Trúc ở nam California được mời tham dự Đại hội này).
Giòng máu Âu Lạc là giòng máu cách mạng. Hình như người Việt Nam nào lưu trữ giòng cách mạng trong máu đều tiềm ẩn ý thức, tâm thức "phá hủy" và "kiến tạo". Giòng máu cách mạng là giòng máu lý tưởng. Theo đuổi lý tưởng tới cùng là máu cách mạng.
Quyền lên tiếng, quyền lý tưởng là bản chất quyền cách mạng. Quyền lên tiếng đối lập 100% quyền bịt miệng. Quyền hành động là bản chất của quyền cách mạng. Đúng hay Sai hành động - chủ nghĩa cách mạng là vấn đề khác. Lịch sử sẽ luận. Luật pháp sẽ minh. Công luận sẽ phê.
Ông Hoàng Cơ Minh là một con người của cách mạng, của lý tưởng cách mạng, của hoạt động cách mạng. Ông là vị tướng duy nhất sau biến cố 1975, vào "bưng", lấy thân ông, lấy mạng ông, lấy tâm não ông, ra đi vì cách mạng và: "Để làm gì cho Tổ Quốc!". Đúng hay Sai, thời gian, lịch sử, luật tắc, sẽ phơi ra áng sáng, sẽ công tâm phán xử.
Nhưng trước hết, trên hết, trong chuỗi dài 40 năm lịch sử cộng đồng tỵ nạn, cái chết hùng tráng của phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Chủ tịch Mặt Trận, Chủ tịch tiên khởi đảng Việt Tân, để lại một gia tài đi vào huyền thoại: Huyền thoại Hoàng Cơ Minh - với đầy đủ tính cách của người anh hùng cái thế, và nhiều rối rắm hệ lụy một thời gian dài hoạt động của Mặt Trận ở hải ngoại lẫn trong khu chiến.
Sơ đồ các căn cứ của Mặt Trận trên vùng biên giới Thái-Lào thuộc làng Nong Noi, tỉnh U Bon: Căn cứ 81; Căn cứ 83; Căn cứ 27; Căn cứ 84; Căn cứ 80; Căn cứ 6; Căn cứ Chí Linh; Khu K 24.
"Huyền thoại Hoàng Cơ Minh":
Thứ nhất: ông là vị tướng của QLVNCH di tản ra hải ngoại, duy nhất khởi động cuộc kháng chiến chống cộng sản sau năm 1975. (Có thể có các vị tướng lãnh khác, các nhân vật khác, cũng hoạt động, theo nhiều cung cách khác nhau, âm thầm, kín đáo ...).
Thứ hai: ông là vị tướng duy nhất sống và chiến đấu ở núi rừng "khu chiến" (Thái Lan, Cam Bốt, Hạ Lào) cho đến giây phút cuối cùng trong một trận huyết chiến, vùi thân bên bờ suối giữa rừng thiêng.
Thứ ba: ông là vị tướng đích thân cầm súng, điều quân, ngay tại trận tiền và tự sát ở trận tiền.
Thứ tư: ông là nhà lãnh đạo chính trị, chủ tịch sáng lập một đảng chính trị, giương cao khẩu hiệu: "Giải thể chủ nghĩa - chế độ cộng sản".
Thứ năm: ông là Chủ tịch số một của một tổ chức có danh xưng là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Ông cũng là Chủ tịch số một sáng lập ra Việt Nam Canh Tân Cách Mạng đảng, gọi tắt là Việt Tân. Ông tổ chức lễ ra mắt Cương lĩnh của Mặt Trận và đảng Việt Tân trong khu chiến. Đại hội quyết nghị Chủ tịch đảng Hoàng Cơ Minh không thấy viết, không thấy xác định, ai là Phó đảng Việt Tân.
5.1- Trong một bài viết của ông Phạm Hoàng Tùng cho biết: "4/ Ngô Chí Dũng: (thường gọi là Hoàng Nhật, từ Nhật Bản về), Trưởng Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến trong hầu như suốt giai đoạn kháng chiến, từ năm 1.983 tới năm 1.990. Chiến hữu Ngô Chí Dũng cũng là người có trách vụ tổ chức và phát triển Đảng Việt Tân trong khu chiến cách mạng - khi Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh mất, lên nắm quyền Chủ Tịch, mất tích hay bị thủ tiêu bí mật".
Người mặc quần áo bà ba đen bạc màu và có gương mặt còn trẻ là anh Ngô Chí Dũng. Người ngồi cạnh anh Dũng và để hai tay trên bàn là anh Nguyễn Kim. Ông Hoàng Cơ Minh ngồi trước lá cờ Đảng Việt Tân. Hình này chụp tại một cơ sở MT ở tỉnh U Bon- Thái Lan nằm ở ngoại vi khu chiến.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.
Nguồn: từ sách Trên Đường Đông Tiến.
Nguồn: từ sách Trên Đường Đông Tiến.
Ngô Chí Dũng (áo đen) chủ tọa lễ gia nhập đảng Việt Tân
của một Kháng chiến quân trong căn cứ khu chiến. Nguồn: Sách TĐĐT
Thứ sáu: Chủ tịch Mặt Trận hầu như làm việc toàn thời gian ở "khu chiến". (Khu chiến là chữ của MT). Thỉnh thoảng ông về nước Hoa Kỳ, được đón rước như một vị anh hùng cái thế. Rừng người, rừng cờ, rừng tiếng hô, đón ông như cơn sóng thần bão tố. Tất nhiên, rừng tiền cũng rót vào như nước. Tất nhiên, cặn bã, rác rưởi, hung bạo, cũng lượn theo cơn sóng thần lên cơn.
Đại hội Chính nghĩa ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1983.
Nguồn: từ sách Trên Đường Đông Tiến.
Đại hội Chính nghĩa ở thành phố Garden Grove, nam California năm 1983.
Một hình ảnh tiêu biểu của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh
khi nói chuyện trước đồng bào.
Thứ bẩy:
7.1- Hội đồng Mặt Trận đề bạt một người thay mặt ông Hoàng Cơ Minh điều hành tổ chức Mặt Trận ở hải ngoại là cựu Đại tá VNCH Phạm Văn Liễu. (Tác giả tập hồi ký Trả Ta Sông Núi).
7.2- Danh xưng cao nhất của Mặt Trận dành cho Đại tá Liễu là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại. Các bộ phận Khu vực từ K1 đến K8 được điều động trực tiếp bởi ông Phạm Văn Liễu. Riêng K9 theo như ông Liễu và nhiều lãnh đạo Việt Tân nói: (Xem Phần số 5)
7.3- Quyền hành và lãnh đạo chỉ huy của Đại tá Liễu ở hải ngoại gần như là số một trong suốt thời gian từ 1981-1985, nhưng đến cuối năm 1984, Đại tá Phạm Văn Liễu ly khai ra khỏi Mặt Trận và thành lập một tổ chức khác. Đây là vụ khủng hoảng đầu tiên nghiêm trọng đối với Mặt Trận và Việt Tân. (Sau này, Việt Tân cũng xẩy ra nhiều vụ khủng hoảng khác, sẽ nói sau).
7.4 - (Mở ngoặc thêm vấn đề này: Chưa có tài liệu nào bạch hóa lý do chính yếu việc Đại tá Liễu ly khai, giã từ Mặt Trận.
- Có thể bắt nguồn từ lời "huấn dụ" của sĩ quan tình báo hải quân Richard Armitage chăng, khi ông Liễu và ông Minh đi gặp ông Richard Armitage tại nhà riêng? (sau Đại hội Chính Nghiã ở Virginia năm 1983), nhà tình báo Mỹ đã chỉ ra tầm nhìn xa, rất xa, đối với cộng đồng VN, đối với các tổ chức phục quốc, đối với vị thế VN trên bàn cờ thế giới, nhưng ông Minh bỏ ngoài tai. Ông Liễu nhìn thấy. Ông Liễu nhận định tương đối rõ: "Không có Mỹ thì việc làm của ông Minh sẽ thất bại". Ông Liễu khôn hơn, hiểu ý Mỹ hơn, không đi vào con đường mòn kháng chiến, huy động tiền của, nhưng cay cú và "phá" chơi cho bõ.
- Có thể vì vấn đề tài chánh tập trung vào tay Hoàng Cơ Định?;
- Có thể vì lý do nhân sự lãnh đạo lộ ra tính cục bộ gia đình?;
- Có thể vì mâu thuẫn trong lý luận và sách lược?;
- Có thể vì ngôi sao Hoàng Cơ Minh quá sáng chói làm lu mờ hình ảnh chiến lược gia Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại Phạm Văn Liễu?
- v,v...
7.5- Dưới quyền Đại tá Liễu thực sự có bộ phận K9 không? (K - viết tắt chữ khu bộ), chính xác là những ai trong đó? Họ có còn sống không? Họ làm những công việc gì? Bộ phận K9 thực sự có một tiểu ban gọi là "Biệt đội ám sát" không? "Biệt đội ám sát K9" (nếu có - rất đặc biệt), ví như là một tổ chức có bóng mà không có hình, có hình mà không có bóng.
7.6- Từ ngày thành lập Mặt Trận cho đến ngày chấm dứt (1980 -2004), không có một nhân vật nào trong Mặt Trận và trong đảng Việt Tân nhận là có "Biệt đội ám sát K9". (Mở ngoặc: Giả sử như trên tế nếu có tiểu ban "Biệt đội ám sát K9" thì Ai là hung thủ bắn giết các nhà báo? Cơ quan FBI sau nhiều năm điều tra hồ sơ này nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối thủ phạm! Nếu tìm ra thủ phạm, hoặc nếu thủ phạm bị lương tâm căn rứt, tự thú, ra đầu thú, khi đó, K9 chắc chắn sẽ lộ nguyên hình).
Nạn nhân của những vụ ám sát và mưu sát. Nguồn: propublica.org
Thứ tám: Người chỉ huy và ra lệnh trực tiếp cho "Biệt đội ám sát K9" ngụ ở "khu chiến" hay ngụ ở "hải ngoại"? Một "Ẩn số dấu mặt!". Ai là người cầm súng nã đạn vào nhà báo, vợ nhà báo? Người này còn sống hay đã mất tích? Một "Ẩn số dấu mặt!".
8.1 - Những câu hỏi chung quanh cái chết của 5 nhà báo cho đến nay, chưa chắc đoàn viên và lãnh đạo Việt Tân thế hệ trẻ sau này đều biết, biết về cả "Biệt đội ám sát K9".
8.2 - "Ám sát", "Thủ tiêu", "Hành động đe dọa", "Hành vi xâm phạm thân thể, tài sản", "Khủng bố tinh thần", "Bạo hành" ... là điểm tối kỵ đối với cá nhân hay một tổ chức chính trị đã hình thành và đang hoạt động tại Hoa Kỳ.
Thứ chín: "Đi và huyền thoại"
Y sĩ Trung tá Trần Đức Tường đang huấn luyện về y khoa thường thức cho các Kháng chiến quân trong dịp ông lên đường tham gia khu chiến. Nguồn: Trần Đức Tường / sách TĐĐT.
Bữa cơm chính nghĩa ở khu chiến.
Mái chòi tranh che chở nắng cháy, mưa rừng.
Với kinh nghiệm lão luyện của một vị tướng chỉ huy trên chiến trường nam Việt Nam từ trước 1975 (dù là trong binh chủng hải quân) , ông Hoàng Cơ Minh thừa hiểu rằng: ông đang chơi canh bạc phiêu lưu mạo hiểm. Dường như ông muốn lợi dụng ngay cơ hội Mỹ thỏa hiệp với CSVN mở chiến dịch tìm kiếm tù binh Mỹ, hài cốt lính Mỹ, nhân viên mất tích Mỹ ... trong chiến tranh Việt Nam (VIETNAM WAR POW/MIA vấn đề tù binh chiến tranh/nhân viên mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cho nên, ông bỏ ngoài tai lời "khuyên" của ông Richard Armitage, ông quyết tâm đi theo lý tưởng của ông tới cùng.
9.1 - Với kinh nghiệm của một tướng lãnh sống và làm việc dưới chế độ chính trị VNCH trước 1975, ông Minh chắc phải nhìn thấy bài học của chế độ Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu. Các vị lãnh đạo của VNCH đều thuộc câu "Thời thế thế thế thời phải thế", nhưng mỗi người có cách hành xử riêng của họ. Vì qyền lợi, vì bàn cờ chiến lược Đông Tây xoay chiều, nước lớn sẵn sàng bỏ rơi những con tốt, cho dù tốt đã sang sông.
9.2- Ông Hoàng Cơ Minh ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang nhỏ chiêu mộ từ người Thái, Lào, cựu binh VNCH, tập trung về các căn cứ thuộc tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), cách Bangkok 500 km về phía Đông Bắc.
Chiến thuật của tư lệnh Hoàng Cơ Minh là lấy du kích đánh du kích.
Chiến lược của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh là dựa vào hàng trăm ngàn lòng dân hải ngoại bùng lên như ngọn lửa đòi giải phóng quê hương.
Niềm tự hào khí phách của giòng dõi bản thân và niềm hào khí của các "Quyết đoàn" quyết tử hy sinh vì "Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân, Điếu phat chi sư tất tiện khử bạo"; vị tướng dẫn đầu đoàn quân kháng chiến khiêm nhường đi vào cửa tử, chết cho tự do và chết cho quê hương.
Tỉnh U Bon -Thái Lan (chấm đỏ trên bản đồ) nằm gần sát biên giới Lào và Việt Nam. Ảnh minh họa Google images
Sông Mekong ở Nam Lào. Muốn vào đất Việt phải vượt qua con sông này. Bên kia sông là ánh đèn dầu hiu hắt quê hương. Ảnh minh họa. Google images
Khi vượt qua sông Mekong ở Hạ Lào, các "Quyết Đoàn" Đông Tiến II lần thứ hai hành quân qua bên phần đất Việt ráp ranh Kontum - Tây Nguyên; trận đánh nổ ra trong đêm 27/8/1987, tư lệnh Hoàng Cơ Minh bị thương và tự sát ở trận tiền. Xác của ông được chiến hữu vùi lấp vội, bên bờ suối. Nhưng sau đó bộ đội CS tìm ra, khai quật, chụp hình và cho công bố hình ảnh này tại Sàigon trong phiên tòa xử các Kháng chiến quân.
9.3 - Song song với việc xây dựng lực lượng vũ trang, ngày 10 tháng 9, năm 1982, Chủ tịch Mặt trận Hoàng Cơ Minh tổ chức một đại hội tại căn cứ 81 tỉnh Ubong, khai sáng Việt Nam Canh Tân Cách mạng Đảng với Cương lĩnh xóa bỏ chế độ độc tài và chủ trương canh tân đất nước.
9.4- Điểm chú ý trong đại hội sáng lập đảng Việt Tân: Không thấy, không nghe ông Hoàng Cơ Minh đề xuất ai là Phó đảng Việt Tân; việc này khác việc đại hội đề xuất cựu Đại tá Phạm Văn Liễu là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại của Mặt Trận. Có thể trong tính toán của tướng Minh lúc bấy giờ, Mặt Trận là tổ chức nổi, Việt Tân là tổ chức chìm. Việt Tân là giấc mơ lớn của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh.
9.5- Một điểm không thể hiểu được: Trong cuộc vạn lý trường chinh, từng đường đi nước bước của ông Hoàng Cơ Minh từ Mỹ cho đến Thái đến Lào, mọi động tịnh của Mặt Trận đều được thông báo rành rọt công khai. Thế là sao? Ngày xưa, Kinh Kha sang Tần chỉ có Thái tử Đan âm thầm tiễn biệt bên bờ sông Dịch. Ngày nay, nhớ lại, cuộc hành quân 719 sang đất Lào quân ta diễn binh cờ khí thế rầm rộ, vì vậy mà bị lọt vào vòng vây trùng điệp. Ngày nay, Mặt Trận sang sông khu chiến chẳng khác gì Lam Sơn 719. Binh pháp thời nay quái lạ!
9.6 - Việt Tân là bửu bối của Mặt Trận, là đứa con cưng của Hoàng Cơ Minh về sự nghiệp chính trị. Ông Minh nhìn xa, viễn kiến về chế độ độc tài đảng trị trước sau gì cũng thoái hóa và tàn lụi. Ông nghe, ông đọc được lòng dân. Ông ấp ủ Việt Tân làm nên nghiệp lớn. Nhưng ông vội khẳng khái ra đi.
“Tôi không tin là trong đời mình sẽ thấy Việt Nam được giải phóng khỏi chế độ Cộng sản. Nhưng tôi thà chết trong rừng như một thảo khấu còn hơn làm một người tỵ nạn ở hải ngoại.”*
9.7 - Việc điều hành Mặt Trận đã gây ra nhiều điều "rắc rối", thiếu minh bạch. Tiếc thay.
Thứ mười: Có động lực siêu hình mãnh liệt nào thôi thúc chủ nghĩa anh hùng ở con người Hoàng Cơ Minh biết đi là chết, biết giao chiến là chết, biết vượt tuyến về "đất Mẹ" là chết?
Có phảng phất linh hồn của những tướng lãnh tuẫn tiết ở chiến trường miền nam Việt Nam trước 1975 soi đường cho ông đi vào cõi vinh quang ?
Có đâu đây oan hồn của 5 nhà báo Mỹ gốc Việt lên tiếng đòi "nợ"?
Có âm u anh hồn của những kháng chiến quân bỏ thây nơi núi rừng khu chiến xa xăm?
Tất cả, cuối cùng, suối vàng thiên thu là nơi tụ họp của nghĩa sĩ đài dũng lược. Họ cùng nhau cười vang nối vòng tay thỏa chí anh hùng.
Lẽ Sống và Cái Chết của một con người mang giòng máu cách mạng đã đi vào huyền thoại:
Huyền thoại Hoàng Cơ Minh./
( California 24 Nov, 2015)
* Lời ông Hoàng Cơ Minh theo bài viết của ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen