Donnerstag, 1. August 2024

                                          MINH TUỆ NGỮ LỤC III

Biên Soạn: Phạm Hiền Mây

1.
Hạnh phúc là được, không cần phải làm nhiều. Làm nhiều, chết, cũng bỏ lại hết.
**
2.
Dạ, đây chưa phải là khổ hạnh đâu, con chỉ mới tập học. Nhiều người tu giỏi lắm, họ ở trên núi, tu như họ mới là khổ hạnh, do mình chưa đủ duyên để gặp họ thôi. Ngay ở núi Sạn, Nha Trang, cũng có rất nhiều bậc đại sư. Không chỉ ở nước mình, ở các nước khác và trên thế giới, có rất nhiều vị sư tu hành rất giỏi. Con, vẫn chỉ đang là tập học.
**
3.
Họ đuổi con vì họ thắc mắc, sao không ở chùa mà lại đi như thế này. Họ không thích thì họ đuổi, nhưng con cũng vui vẻ. Đất nước nào, xã hội nào, cũng có hai mặt, có người tốt và người không tốt, có người thế này và người thế kia.
**
4.
Thấy đồ vật, tài vật của họ, hoặc họ cho tiền bạc, hoặc họ cho cơm nước ngon, con sẽ niệm, những thứ này tuy là ngon, nhưng đừng tham ăn, đừng thèm khát, hãy ăn những thứ đơn giản, nuôi bụng, nuôi thân là được rồi. Khi họ chửi mắng, đánh đập, thì con niệm, đừng sân với họ, cứ để họ được thoải mái, để mình trả nghiệp cho họ và để họ được vui vẻ, bình an. Con cũng niệm cho con trên đường được tỉnh giác, gặp ai cũng không si mê, nói láo. Tin vào Phật, vào Pháp, khi nào mình cũng dùng tư duy, chánh niệm.
**
5.
Ma thì không sợ. Chủ yếu, sợ người ta không ưa, người ta đuổi, phiền phức cho mình thôi. Ma có làm gì mình đâu. Vào miếu hoang, chỗ vắng lại càng tốt đẹp, yên tĩnh, vắng vẻ và không ai phiền phức. Ở cái chỗ mà người ta đuổi, mới sợ. Mình đang ngồi, họ tới họ đá, hay mình đang ngủ, họ tới họ đuổi, dậy đi, vì chỗ ấy, là của họ. Con đi là để khắc phục khó khăn, để vượt qua tham, sân. Giảm bớt tham sân cho đừng buồn khổ nữa là mục đích học tập của con.
**
6.
Nghe lời Phật dạy, cùng với tư duy, con nhận ra, dù có việc làm yên ổn, thì rồi cũng phải già, phải chết, như bao người chung quanh, không khác, nên con muốn đi theo Phật để học những điều cao siêu hơn, vi diệu hơn, tối ưu hơn. Con đi, không phải vì con không làm việc được, hay vì cuộc sống con thiếu thốn, con đi vì mục đích cao cả mà Phật đã dạy. Phật bày như thế nào thì con làm theo thế ấy, chớ con làm sao mà tự mình biết được.
**
7.
Con muốn học thiền định, giới luật, trí tuệ, trí chơn, học những điều cao thượng hơn, mà người đời khó làm được, vươn lên cái gọi là thánh hạnh.
**
8.
Bây giờ con vẫn còn đang tập học, con vẫn chưa thoát khỏi phàm phu, chưa thành A La Hán, chưa giải thoát được, vẫn bị mơ chi phối, nhưng không phải là ác mộng. Giấc mơ đẹp, an lạc, nhưng con cũng không muốn. Những lần như thế, con hay tự nhủ, ngủ, đừng có mơ mộng gì nữa. Con không ưa thích giấc mơ này, tại vì cái đấy là lạc. Lạc cũng phải bỏ, mà khổ cũng phải bỏ, có thế, mới đạt được thiền định, có thế, mới giải thoát.
**
9.
Mới đây, con đang đi, có một ông đuổi theo, con tưởng là ông đuổi theo cho đồ ăn, nào dè đâu, ông đuổi theo để ông chửi. Mặt ông đỏ kè lên, ông chửi, ông cấm con không được đi đường này. Con im lặng, đi tiếp, không trả lời, nhưng con nghĩ, đường này, nhà nước mở, sao lại cấm con, nếu đường riêng của anh mở, anh cấm, thì con sẽ không đi. Chính những lúc như thế là dịp để con coi lại mình, xem có buồn khổ, có sân hận trong đó không?
**
10.
Hoặc, những lúc họ khen, ông này đi đúng, ông này tu giỏi, giống Phật Thích Ca, con phải tự xem lại mình, có nở mũi không? Rồi con tập, khen cũng thế, chê cũng thế, khen chê gì, con cũng thấy bình thường.
**
11.
Con không ngại khó, cũng không sợ hãi khi bộ hành, kể cả khi, con được cảnh báo, khu rừng đó, miếu hoang đó, rất ghê rợn. Nếu nơi đó thanh tịnh là con đi ngay. Chỉ vì có anh nói trên đèo Bảo Lộc có tai nạn, mong con đi để cầu nguyện cho họ nên khi nghe như vậy, thì con sẵn sàng thôi. Con cũng không tính toán, đường nào đi gần hơn, đường nào đi khỏe hơn, cả khi, con biết lên tới đây, kiểu gì cũng gặp mưa.
**
12.
Những người bị tai nạn, cũng là nghiệp. Vì đó là chỗ chết của họ, hoặc vì đó là chỗ phải đoạn, phải tận. Có thoát được lần này, thì rồi cũng phải đoạn, tận sau đó, vì quả đã tới, phải nhận. Nếu chúng ta biết làm điều lành, điều thiện, thì may ra được chuyển, được đổi, còn không, đến duyên đó rồi thì phải chấp nhận thôi.
**
13.
Con bộ hành thế này, nếu có công đức, con cũng xin hồi hướng công đức cho họ. Mong cho họ được hạnh phúc, vui vẻ. Với một số người, hạnh phúc chính là có tiền, có xe. Còn như con, hạnh phúc là được giải thoát. Tùy theo mong muốn của họ, mà con ước nguyện cho hạnh phúc của họ thành.
**
14.
Thành Phật là điều hoàn toàn có thật, nhưng để đạt được điều ấy, thì khó lắm, không phải dễ đâu, phải trì giới, học tập đầy đủ.
**
15.
Thật lòng, con không muốn quay con vào phim như thế này đâu. Vì mọi người và anh cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó, nên quay thì cứ quay. Con cũng biết, khi đưa lên, cũng có người chê, người chửi nhiều lắm. Con không cần coi video mới biết được điều đó, vì ngay khi con đi trên đường như thế này, con cũng đã thấy, đầy người chửi rủa, đầy người nạt nộ, đầy người hằn học, đầy người đòi đánh. Thậm chí, nạt nộ xong, họ vội vã quay đi liền, nhanh quá, khiến con không kịp ước nguyện cho họ hạnh phúc. Con phát nguyện, cho dù mọi người đối với con như thế nào, con cũng xin cho mọi người được vui vẻ và hạnh phúc.
**
16.
Bữa hôm, thấy anh kia hùng hổ bước đến, con nghĩ thầm, xong rồi, tới rồi, nghiệp đến rồi, thì đây, con đứng đây, con ngồi xuống đây, muốn đánh, muốn đấm, muốn giết như thế nào cũng được. Nhưng may quá, anh chỉ nạt vài câu rồi bỏ chạy mất luôn. Dù như thế nào, con vẫn xin chấp nhận. Đây là nghiệp quả của con, thì con phải nhận chịu, như tất cả những người khác, lúc gặp tai nạn.
**
17.
Con không biết đọc thần chú. Con lại càng không thể ban phát được gì. Hạnh phúc, không ai ban phát được. Chỉ những ai tin Phật, làm theo lời Phật dạy thì mới có hạnh phúc.
**
18.
Con ngày xưa, cũng tưởng đi làm, kiếm được nhiều tiền là hạnh phúc, nhưng mà không phải. Ôm một đống tiền, vẫn khổ. Ngồi trên đống vàng, vẫn khổ. Ngồi trên ngai vàng, quyền chức như vua, vẫn khổ. Hãy thử phỏng vấn những người giàu có, xem họ có thấy hạnh phúc không. Khi thấy được mọi lẽ rồi, mình mới biết, à, thì ra, hạnh phúc không phải bởi nhiều tài sản, nhiều quyền lực, mà Hạnh Phúc Chính Là Không Có Gì Cả.
**
19.
Con không tham gì, không sợ mất gì, không sợ ai đánh đập, kể cả thân con đây, và con thấy lòng con vui vẻ. Có nhà, phải coi chừng nhà. Sợ chết, nên sợ người khác đánh đập. Cuộc sống ở thế gian, có sống hoài, thì cũng đến như thế này thôi. Nên mỗi khi nhân quả đến, được trả nợ, con rất hạnh phúc.
**
20.
Con tập không sợ bị đánh đập, nhưng thật ra, trong tâm con, vẫn còn sợ hãi, chưa khắc phục được hết những nỗi sợ này. Muỗi chích con, con vẫn còn khó chịu. Con cần phải tập luyện nhiều thêm nữa. Tập luyện chỉ vài ngày, vài tháng, vài năm, là chưa thể được. Phải tập học liên tục như vậy, cả đời. Tu đời này chưa đạt thì tu thêm nhiều đời nữa.
****
21.
Con không dùng điện thoại, ăn chay ngày một bữa, chiều đến, con chỉ uống nước. Con tập học để giữ gìn giới luật Phật dạy, không hút thuốc, không uống cà phê, không uống rượu. Con tập sao cho ăn uống không chi phối được mình, không làm khổ được mình. Họ cho gói mì không, cũng ngon. Họ cho trái chuối, cũng ngon. Con không đòi đồ chay giống như ở quán. Cơm nguội hay đồ ăn dư, cũng ngon.
**
22.
Năm nào cũng sẽ là năm tốt đẹp, nếu như mọi người biết làm điều thiện, làm việc có ích. Năm nào, làm điều ác nhiều mà lại không biết làm những việc công đức, thì sẽ gặp những không may thôi.
**
23.
Vì tình hình xã hội là như vậy, đành chịu chung thôi, chịu chung một môi trường, chịu chung duyên, chịu cộng nghiệp. Không chỉ riêng một ai lầm than hay bán buôn ế ẩm, mà tất cả đều vậy. Ở đời, cũng đôi khi không phải bởi tình hình chung, mà do mình tham quá, thành công rồi vẫn muốn thành công thêm, viên mãn rồi vẫn muốn viên mãn thêm. Cần nhất là ở tâm mình, hễ thấy được, là được; thấy hạnh phúc, là hạnh phúc.
**
24.
Ngày tốt hay ngày xấu, thì đều là ngày chung của tất cả mọi người. Nếu với mình, đó là ngày của những đau khổ, đau đớn, bệnh tật, nằm liệt giường, không làm được gì, thì ngày đó, xấu với mình thôi. Chớ với người khác, họ được khỏe mạnh, thì người ta lại cho đó là ngày tốt. Xấu, vì nghiệp mình xấu. Trong trường hợp này, thì mình làm thêm điều thiện, điều tốt, cho mọi thứ được tốt đẹp hơn.
**
25.
Tìm sư chân chính thì cũng dễ ạ. Cứ theo dõi một thời gian, xem họ tu có đủ giới luật không, phạm hạnh của họ như thế nào. Không tin vào lời nói ạ. Nhiều người nói hay nhưng lại làm không được.
**
26.
Con không có khả năng để nhận đệ tử. Con và anh, đều cần phải cố gắng và phấn đấu hết sức để trở thành đệ tử Phật, được ngài chỉ dạy. Sau khi ngài nhập Niết Bàn, thì giới luật, giáo pháp sẽ là thầy và là nơi nương tựa của tất cả chúng ta.
**
27.
Đường giải thoát có sẵn rồi, Phật bày sẵn cho rồi, không cần phải đi tìm. Sức như mình, làm sao mà tìm được, mình chỉ cần tập theo thôi. Phật bảo, ăn ngày một bữa, thì mình cũng ăn ngày một bữa. Phật bảo mặc ba y, sống hạnh, cạo đầu, mình cũng ba y, sống hạnh, cạo đầu. Phật bảo xuất gia, mình cũng thế, xuất gia.
**
28.
Đến khi con nghe được lời Phật dạy, khổ tập, khổ diệt, thì con hiểu ra, cứu được con, chỉ duy nhứt một con đường, làm theo lời Phật dạy. Con bắt đầu tập luyện, giữ gìn các giới luật. Sau đó thì ước nguyện, xin cho con bỏ được mọi ham muốn, hưởng lạc, bỏ được tà dâm, bỏ thuốc, bỏ rượu, kể cả bỏ sự ham ăn, bỏ được sự ham mê những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, bỏ được sự bất tịnh. Dần dần rồi cũng tập được, thân tâm mình mỗi lúc mỗi nhẹ dần đi, xả bỏ dần đi, và đến một lúc, sẽ không còn ham muốn nữa.
**
29.
Ngay cả tội giết người cũng có thể sửa được. Thiện căn mà nổi lên rồi thì sẽ không bị đọa địa ngục nữa. Tất cả mọi điều sai đều có thể sửa được. Những người hành nghề giết mổ gia súc, nếu bây giờ họ bỏ, họ tu, họ cũng không bị đọa địa ngục. Ngay cả khi trước lúc chết, ngay cả khi, chưa hề tu một giờ nào, nếu trong tâm trí nguyện, xin bỏ làm điều ác, thì vẫn không bị đọa địa ngục. Chỉ cần một giây cuối cùng họ nghĩ đến việc từ bỏ cái ác, thì xem như, ác ấy được xóa, không còn theo họ nữa.
**
30.
Nếu như mình làm ăn khó khăn, buôn bán ế ẩm, mình gắng làm thêm điều thiện, gìn giữ giới luật cho mình, thì phước có trở lại, không còn lo lắng gì nữa. Cũng có nhiều người nói, sao mình làm điều thiện hoài, mà sao vẫn nghèo? Hoặc, sao mình làm từ thiện nhiều mà công việc làm ăn vẫn thất bại? Là do nghiệp của họ trước đây nặng nề quá, chưa thể trả xong, chưa thể giải quyết hết, giờ vẫn còn quả ở đó. Nhưng khi đến thời điểm dứt nghiệp, những việc thiện mà họ làm cũng sẽ lần lượt nhận phước báu.
****
31.
Tập lối sống không nhà, không gia đình, sống ở ngoài bờ, ngoài bụi, lang thang, cơ nhỡ, cũng là hạnh.
**
32.
Con bỏ chùa rồi, thì tốt đẹp, con cũng nhận, mà xấu xa, con cũng phải mang lấy, chớ không để ảnh hưởng tới họ. Vì vậy, con cũng không muốn nhắc gì về họ. Cũng như khi con xuất gia, rời khỏi nhà để đi tu, thì cũng không cần thiết nói về nơi ở của cha mẹ con nữa.
**
33.
Đời sống này vô thường, lỡ ngày mai tai nạn, rắn cắn chết hay bệnh tật chết, thì mình đâu đi được nữa, nhưng nếu con còn sống thì con vẫn tiếp tục, còn thở thì vẫn không từ bỏ hạnh bộ hành khất thực. Chết rồi thì thôi, không đi nữa và con vẫn vui vẻ. Sống nay chết mai, làm sao biết được tuổi thọ của mình, làm sao biết được mình sẽ đến những đâu, chỉ biết, còn ngày nào sống thì mình còn vẫn đi.
**
34.
Con ăn chay. Phật giáo Theravada thì cho thức gì, dùng thức ấy. Còn Đức Thế Tôn cũng không buộc là chay hay mặn, ai muốn ăn chay thì ăn chay, ai muốn ăn mặn thì ăn mặn. Mặn chay không là việc đúng sai. Ăn gì mà được tốt đẹp cho mình thì mình theo.
**
35.
Con không dùng điện thoại. Con vứt điện thoại lâu rồi. Điện thoại buộc ràng, vì bị người này gọi, người kia gọi. Không dùng thì con sẽ chẳng bị ai gọi con nữa.
**
36.
Không phải con không kiếm được mà ăn, không phải con không có trí tuệ để làm mà ăn, mà là con đang thực hành lời Phật dạy để có trí huệ và được thoát khổ, giải thoát. Dẫu biết khất thực, xin ăn là nghề hèn hạ nhưng con vẫn kiên trì tập học kham nhẫn, không xấu hổ, kể cả khi họ chửi mắng, đánh đập con.
**
37.
Sống theo đời sống Bát Chánh Đạo, chính là niệm Phật, không sát sanh, không trộm cắp, không lừa đảo, sống đầy đủ giới luật như Đức Phật dạy. Còn niệm hồng danh thì Nam Mô Bổn Sư Sakya Phật.
**
38.
Khi dừng lại trên đường để nghỉ, con vẫn nghe kinh Nikaya và kinh A Hàm. Không thuộc hết cả bộ kinh, nhưng phần cốt lõi và cần hành trì thì con thuộc ạ.
**
39.
Con không học chú Đại Bi. Con có từng đọc qua nhưng con không học ạ. Thường người ta niệm chú Đại Bi, là cốt để trừ tà, trừ ma, trừ quỷ, giúp cho mình yên ổn. Dùng chú để giết ma, giết quỷ, con thấy ác quá. Con không cần chú ấy. Con không muốn hại họ. Đánh họ, đuổi họ, để mình có chỗ ở, việc ấy ác lắm. Như thế là không từ bi.
**
40.
Mình nói một đường, mà mình làm một nẻo thì không được. Hành động của mình sẽ dẫn tới nghiệp quả. Đọc kinh mà không hiểu gì về kinh, thì cũng giống như hát một bài hát vậy thôi, thuộc lòng đó nhưng không giúp ích gì được cho mình. Phải đem lời kinh áp dụng, thực hành vào đời sống hiện tại của mình. Ví dụ, con chọn sống tâm từ bi, thì kể cả bây giờ có con quỷ, con ma hay kẻ thù chạy tới, nó cầm kiếm, nó đốt hay nó đánh đập con, thì dù con có biết câu thần chú, con cũng không đọc lên; dù con có kiếm sắc bén trong tay, con cũng không vung lên để mà hại chúng. Thà để chúng giết con, chớ nếu con hại chúng để con sống, thì như vậy, đâu còn là từ bi nữa?
**
41.
Đây là nhân quả, là chướng ngại, là thử thách trên đường tu. Không trộm cắp, không xin gì, chỉ ôm bát đi ngang, cũng bị chửi mắng, đánh đập. Nhưng con biết đó là nghiệp của mình. Nghiệp dẫu có như thế nào thì con cũng vui vẻ nhận lấy, và mong cho họ luôn được gặp chuyện tốt đẹp.
**
42.
Con đi trên đường, thỉnh thoảng vẫn có người chặn con lại hỏi, con không khước từ trả lời bao giờ. Họ hỏi gì thì con biết đến đâu, con thưa đến nấy. Họ muốn quay thì quay, muốn chụp ảnh thì chụp ảnh. Con không mong nổi tiếng nhưng con cũng không lo sợ hay trốn tránh gì ai cả.
**
43.
Thực hành lời Phật không dễ. Việc thực tập ấy, suốt đời, liên tục, ngày cũng như đêm. Bình thường như thế này, sẽ cảm thấy chẳng cần phải làm gì, chẳng cần phải tu hành để giảm nghiệp. Đến khi thất bại, bệnh tật, nhân quả mà nó đổ tới, chỉ có thể bỏ chạy thôi, chớ đỡ làm sao được.
**
44.
Nợ nần là nhân quả. Có một bài thuốc rất là hữu hiệu, để trả được nợ nần, đó là học và làm theo lời Phật dạy. Quan trọng là ta có tin vào lời Phật dạy, có muốn thực hành để vượt qua hay không thôi. Bài thuốc này, khi con thực hành theo đúng thì con thoát được. Đó chính là bài thuốc Bát Chánh Đạo mà Đức Phật có dạy. Nợ nần ấy, sẽ có người khác đến trả giúp cho mình. Con đi tu như thế này, theo như lời Đức Thế Tôn dạy, là cũng để trả nợ. Trả nợ ơn sinh thành to lớn. Nếu có niềm tin mạnh mẽ và làm theo lời Phật dạy, thì nợ gì cũng trả được.
******

45.
Việc tu, ai nấy tự học. Và con cũng không cần hộ pháp. Giống như thầy đang đi theo cùng con đây, đó là việc của thầy. Mọi sự tùy duyên.
**
46.
Giữ giới luật, giữ niềm tin, sống đời sống không nhà, không chùa, không gia đình, phát nguyện bồ đề tâm, rồi đừng bận lòng nữa, thành gì sẽ khắc thành, cứ thế mà sống cho vui vẻ, tỉnh này qua tỉnh khác, xả bỏ, buông bỏ, ba y một bát, trắng bạch, không nắm giữ gì.
**
47.
Phải tìm được niềm vui trong con đường tu học của mình. Chớ mà không vui là không được. Cố gắng để đi, ép mình mà đi, cũng không được. Dạ, phải thấy được hân hoan, an lạc. Được họ cho củ khoai, cũng ngon; cái bánh mì, cũng ngon; cơm nguội, cứng như đá, cũng ngon. Nhận gì cũng được, miễn phải giữ được phẩm giới cho mình.
****
48.
Con đi bằng tâm, đi bằng niềm tin. Ban đầu, chân có đau chứ, nhưng mình vẫn luyện tập, và vẫn đi, rồi cũng quen, rồi cũng bình thường, không đau nữa. Đi bằng tư duy, đi bằng niềm vui của mình, niệm lời Phật dạy.
**
49.
Dạ, con đi khất thực từ lúc mặt trời lên, năm, sáu giờ sáng. Ai cho sớm thì con nhận sớm. Đầy bình bát rồi thì con tìm chỗ nào đấy dùng. No đủ rồi, từ đó đến chiều, là con không nhận nữa. Ngày mai, khất thực, con sẽ nhận lại.
**
50.
Ăn trước mười hai giờ trưa ạ. Ăn giờ nào thì tùy thuộc vào thời gian đi khất thực. Nhưng mình không nhất thiết phải chờ, phải cố định, đến mười một hay mười hai giờ mới ăn được. Tùy nhân duyên. Ví dụ, mới bảy giờ sáng, người cho cơm đã đầy bình bát, thì không cần phải chờ đến mười hai giờ mới ăn. Mang theo như vậy nó nặng. Và sau mười hai giờ thì không ăn nữa.
**
51.
Khất thực, khi nào cũng có người cho. Có khi là cơm nguội, củ khoai, bánh kẹo, trái cây. Bánh mà có trứng, sữa, hay đồ mặn, con cũng không dùng được. Hoặc những thức mà khi ăn, mất đi sự oai nghi, thì con không ăn ạ. Ví dụ, vào quán bún khất thực, thì con xin bún trắng, ăn không như vậy cũng được rồi.
**
52.
Người trên đường tỏ thái độ không cảm mến con, khi con đi khất thực, cũng có, nhưng con vẫn A Di Đà Phật, vui vẻ với họ, từ bi với họ. Từ bi để không ghét họ lại, cũng như mong cho họ thành Phật, tốt đẹp như Phật để họ khỏi ghét mình nữa. Cố gắng vượt qua sân hận để không sân hận họ nữa.
**
53.
Muốn kiết già không đau, phải sống đời sống buông bỏ rồi gìn giữ giới luật, phát nguyện tu hành, tập luyện kham nhẫn để vượt qua cơn đau. Phải tư duy, đau đớn cỡ nào cũng cố gắng vượt qua. Ngồi thiền, kiết già, đau thì đau chớ không chết được đâu, dần dần rồi cũng sẽ vượt qua được hết. Cứ tập miết như thế, khoảng ba năm, sẽ quen.
**
54.
Khó khăn của thiền là cơn đau khi ta ngồi kiết già. Nhưng đừng sợ đau, kham nhẫn, cố gắng vượt qua, rồi mình sẽ thắng nó. Con thiền một ngày mười tiếng, mười lăm tiếng, hoặc hơn, là lúc trú xứ, không bộ hành. Ngoài thời gian vệ sinh, thì cứ ngồi thiền thôi. Ngồi cho tới sớm mai rồi đi khất thực luôn.
**
55.
Con không có khái niệm điểm dừng, con tùy nghi, muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng. Nếu có phụ thuộc là phụ thuộc vào thời tiết, nắng thì đi được chớ mưa đi không được. Mưa thì buộc phải nghỉ lại.
**
56.
Con ăn ngày một bữa theo lời Phật dạy, đến giờ thì con đi khất thực. Duy trì sự sống như thế và đi thôi. Đói cỡ nào cũng không ăn, giữ giới tu hành. Đôi khi, buổi chiều, họ cũng đưa đồ ăn đến nhưng con dứt khoát không ăn, không cần nữa, đủ rồi, no rồi.
**
57.
Con không dìu dắt ai cả. Họ đi theo khả năng của họ. Con không phải là thầy, là sư phụ của họ. Họ đi học theo Phật thì đều là anh em huynh đệ của con. Họ học hỏi con và con cũng học hỏi họ, học tập lẫn nhau.
**
58.
Kiên trì, kiên quyết là việc của họ. Con còn chưa dìu con được, làm sao dìu được ai? Con đang tập học, họ cũng đang tập học. Hữu duyên thì cùng nhau học. Muốn đi thì đi, bao lâu cũng được, muốn về thì về. Con không mời chào, rủ rê ai và cũng không xua đuổi ai. Muốn thế nào cũng được. Bình đẳng. Tùy duyên.
**
59.
Anh em huynh đệ như cha mẹ, như người thân con. Con không có khái niệm sư phụ, đệ tử.
**
60.
Con gọi những người khác bằng thầy là bởi vì con ước nguyện cho họ thành thầy tu. Nếu họ thành thì họ độ cho con. Họ đều có căn duyên hết, chỉ là chưa đến giờ thôi. Có khi họ còn giỏi hơn cả con nữa, nhưng do họ quên đấy thôi. Nhiều đời nhiều kiếp trước, có khi họ là những vị thầy, vị sư tài, giỏi, nên con cũng ước nguyện cho họ. Con đi với họ, tức là con cũng đã có duyên với họ.
**
61.
Mọi người cũng vẫn gọi con là sư, là thầy. Gọi con bằng gì cũng được, con không có yêu cầu. Gọi gì mà mọi người thấy vui, thấy hạnh phúc, là được.
**
62.
Muỗi có đốt con nhưng mà con khắc phục, rồi cũng qua đêm. Con có mùng thiền nhưng mà mang nó nặng quá, con mang không nổi. Con mang theo tấm bạt để con che mưa.
**
63.
Dạ, trong thời gian bộ hành, con có bệnh, bị sốt, bị cảm cúm. Con cứ để như thế, nó tự hết, chớ con cũng không đi chữa.
**
64.
Muốn an lạc thì mình nghe kinh sách Phật, có niềm tin Phật, bố thí, giữ giới, làm việc thiện. Không biết Phật Pháp, không có niềm tin, thì không thể nào tu được. Mục tiêu của người tu Phật là bố thí, giữ giới, tu thiền, cứ như thế rồi phát nguyện tâm. Làm điều thiện để tránh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
**
65.
Mình phải chịu nghiệp sân, phải đọa nghiệp sân. Mình có nhân duyên nên mới sân với họ. Khi mình biết rồi thì mình phải kiềm chế, phải gắng tư duy, đừng sân nữa.
**
66.
Nguyên nhân để con xuất gia, tu hành, bắt đầu từ việc con đọc kinh sách. Thấy giáo lý Phật dạy hay quá nên con quyết định đi tu. Con ở và làm việc tại Đắk Lắk, Tại gia thì con tập đời sống tu sĩ, tập ăn chay, tập ăn ngày một bữa, giữ giới. Sau đó, con xin vào chùa ở.
**
67.
Ưng, hữu duyên thì con đi. Không cố định điều gì cả. Nhưng phải biết chỗ nào có dân cư, chỗ nào không có dân cư, cũng cần tính cả thời gian đi, để sáng mai, con có thể khất thực được, chớ nếu cả ngày ấy bộ hành trên đường đèo, cũng khó. Còn việc tính đi chỗ này, phải bao nhiêu ngày, chỗ kia, phải bao nhiêu bữa, là không có. Muốn mấy ngày tới, cũng được. Nhưng chỗ vắng quá, thì mình cũng hỏi để mình biết. Ví dụ như, cách đây khoảng hai mươi cây số nữa, mới có nhà dân, thì hôm nay, mình cần đi dài hơn một chút. Cách gần hơn, thì đi chậm một chút, sao cho, vừa kịp khất thực vào sáng sớm.
**
68.
Cho một người thì không bằng cho một nghìn người. Làm việc thiện càng nhiều người, thì càng tốt.
**
69.
Phước báu là mình được thọ lãnh do công đức đã làm từ nhiều đời trước. Ví dụ, đời trước, mình làm việc thiện nhiều, nên kiếp này, mình được giàu có. Phước báu thì hiển hiện. Còn công đức là việc mà mình không thấy trực tiếp. Có công đức hữu lậu và công đức vô lậu. Phước báu cũng thế, có phước báu hữu lậu và phước báu vô lậu.
**
70.
Phước báu hữu lậu chỉ ở dục giới, thế gian, còn trong vòng nhân quả, luân hồi. Còn phước báu vô lậu thì đưa đến giải thoát, niết bàn. Nhờ công đức mà có phước báu. Có công đức rồi thì mới có phước báu.
**
71.
Muốn bớt ngu si thì phải giữ giới, tu thiền, có Giới Định Tuệ thì sẽ hết ngu si. Mình cũng cần quán nhân duyên. Học mười hai nhân duyên mà Phật đã dạy. Cái này sanh thì cái kia sanh. Cái này diệt thì cái kia diệt. Và đừng sân nữa. Còn sân thì sẽ còn ngu si.
**
72.
Muốn tập trung thiền thì bám vào hơi thở. Khi thở ra, tôi biết tôi thở ra. Khi thở vô, tôi biết tôi thở vô. Thêm vào đó, cần biết xả bỏ, giữ giới. Giảm được tham sân si thì mới không còn vọng tưởng. Mình phải xả bỏ hết phiền não, phải dừng lại mọi lo lắng thì mới không còn vọng tưởng nữa.
**

73.
Cúng dàng cho những người có Giới, công đức tốt hơn ạ. Phóng sinh, công đức không bằng cúng dàng cho Phật Pháp Tăng, là những người giữ giới tu hành. Còn cúng dàng cho những người phạm giới, uống rượu, uống bia, không tu hành, thì công đức lại không bằng khi ta phóng sanh.
**
74.
Con khi nào cũng thiền ạ. Con thiền trong bốn oai nghi, đi. đứng, nằm, ngồi. Mình sống trong chánh niệm là mình thiền rồi. Đừng tham lam, đừng sân hận, khi nào cũng tư duy, sống đời sống lương thiện, đừng hại ai, đừng lừa đảo ai. Làm theo lời Phật dạy, bố thí, trì giới, tu thiền, hướng đến trí tuệ giải thoát. Phát nguyện, đặt niềm tin, cũng có nghĩa là, lúc nào mình cũng thiền cả. Thiền suốt. Đi hay đứng, tập chánh niệm cho mình. Khi ngồi, thì ngồi theo kiểu ngồi một chỗ. Riêng con bây giờ, con chỉ tập thiền oai nghi trong đi, đứng, ngồi thôi. Con không nằm mấy năm nay rồi.
**
75.
Con có khuyên họ ăn chay, và cho họ nghe kinh sách, người mẹ thì nghe, nhưng không đủ duyên. Con cũng có nói với mọi người, mọi người cũng như cha mẹ con vậy, ai hữu duyên thì mình mới nói, còn không hữu duyên thì thôi, mình không áp đặt được.
**
76.
Trước mắt là chính mình phải học đã. Mình đây, còn chưa học xong, mà mình bảo họ nghe pháp, học pháp, làm theo pháp, sao được? Họ không nghe, không học, không làm theo thì mình lại khổ. Phật cũng có ép ai tu đâu? Ai muốn tu thì tu, không thì thôi, Phật chẳng ép ai cả. Tự nguyện.
**
77.
Con không nhận cúng dường vải, con phải tự đi nhặt, đây thuộc về phát nguyện của con. Con phát nguyện hạnh phấn tảo y, mười ba hạnh đầu đà, thì vải là mình phải tự nhặt lấy, ở rừng, ở núi, ở nghĩa địa, ở đống rác, thùng rác, miễn là đồ người ta bỏ đi, miễn là không ăn trộm hay lấy của người ta, rồi tự mình may lấy thì mới mặc được.
**
78.
Mười ba hạnh đầu đà, gồm: hạnh phấn tảo y, hạnh ba y một bát, hạnh thường đi khất thực, hạnh đi khất thực từng nhà, hạnh ăn một lần trong ngày, hạnh ăn trong một bình bát, hạnh ngủ nơi gốc cây, hạnh ngủ nơi nghĩa địa, hạnh ngủ nơi đất trống, hạnh ngủ nơi rừng, hạnh ngủ ngôi nhà trống, hạnh ăn thực vật, hạnh ngủ đâu cũng được, hạnh ngủ ngồi.
**
79.
Mình gặp một vị thầy, mình đảnh lễ là vì sự tôn nghiêm của vị đó, khiến cho mình kính trọng. Cha mẹ của mình, mình đảnh lễ, nhưng khi qua nhà khác, mình thấy một người già đáng kính trọng, mình cũng có thể đảnh lễ được vậy. Ai có đức độ, có công đức, có phước đức, có giới luật, có thiền định, mình cũng đều có thể đảnh lễ được. Đảnh lễ ngoài kính trọng, còn là bày tỏ, mình muốn học tập theo như vậy. Nhưng nếu đó là những người không tốt, không đáng kính trọng, trong lòng mình không tôn kính, thì mình đảnh lễ làm chi.
******
80.
Sám hối bằng cách, làm theo lời Phật dạy, bố thí, giữ giới, tu hành, rồi mình sám hối tội lỗi. Mình tư duy, từ nay trở đi, mình giữ giới, mình tu thiền. Mình phát nguyện, từ nay trở về sau, không làm những điều ác, hướng tới điều thiện, tốt đẹp hơn theo lời Phật dạy; những lỗi lầm, trước đây gây ra, bây giờ sẽ giữ giới, để hồi hướng công đức cho tất cả những ai mà mình đã trót gây ra lỗi lầm. Mình phát tâm, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, sau này thành Phật, mình sẽ độ cho họ để chuộc lại những lỗi lầm mà mình từng gây ra cho họ.
**
81.
Mở kinh nghe, rồi thực hành thì có công đức. Nhưng mở kinh nghe, mà không hiểu, mà không thực hành theo, vẫn sát sanh, vẫn trộm cắp thì không có công đức. Nghe kinh mà như vịt nghe sấm, không làm thiện, không bố thí, không trì giới, không tu thiền, thì không làm sao mà có công đức. Những trường hợp này, vẫn có thể bị đọa như thường.
**
82.
Có công đức là khi, máy nghe kinh Phật ấy, mình mang cho người ta, mà người ta nghe, người ta tu hành theo. Còn không có công đức là khi, máy nghe kinh Phật ấy, mình mang cho người ta, mà người ta không nghe, không thực hành theo, thậm chí, đem phá hủy, đem vất những nơi nhơ bẩn, việc đó chính là phỉ báng Phật Pháp Tăng. Cũng giống như một bức tượng Phật, mình mang cho người ta, người ta biết cúng dàng, đảnh lễ, để có nơi có chỗ, thì mình mới có công đức. Còn mang cho người ta, rồi người ta đem bỏ nơi bất tịnh, bỏ những nơi nhơ nhớp, không tôn trọng, thì đó không thể là việc công đức rồi. Nói chung, ngay cả nghe Phật Pháp, cũng cần phải đủ nhân duyên.
**
83.
Mở kinh là cho chính mình nghe cái đã. Còn vong nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi. Còn khi mình bận, mình phải làm công việc, thì mình không nên mở máy, mình phải tôn kính Pháp. Mở Pháp nghe là khi lòng phải thanh tịnh, ngồi cho ngay ngắn, chớ nằm cũng không được. Nằm hay ngồi bắc chân bắc cẳng là không cung kính Pháp, việc ấy khác chi hủy báng Pháp. Vong cũng thế. Không phải vong nào cũng thích nghe. Nếu mình có nhu cầu nghe Pháp, thì hãy mở. Lúc mở, vong vô tình nghe cùng, tu hành cùng, tán thán cùng, thì đó là điều rất tốt.
**
84.
Có lúc, con cũng thấy những bóng đen, nhưng con cũng không biết đó là gì. Vong hay không vong gì, thì mình cũng gắng sống một đời sống thiện, sống có đạo đức thì cũng chẳng sợ vong. Sớm muộn gì mình cũng chết. Giả như, vong có bóp cổ con chết, thì cũng không sao. Mang thân khác, thì con cũng lại tiếp tục tu hành. Nghĩ như vậy nên con không sợ. Vong, hay quỷ thần, thì ở đâu cũng có cả. Ngay khi con cùng các anh chị đang ngồi đây, cũng đầy quỷ thần chớ không phải là không. Nhưng họ ở cảnh giới khác, mình ở cảnh giới khác. Mình sống có đạo đức thì họ cũng không làm gì mình cả, trừ phi mình làm ác.
******
85.
Phật tử đi chùa nên làm công quả, công đức, đảnh lễ, cúng dường Tam Bảo.
**
86.
Làm việc thiện cũng đang là tu rồi.
**
87.
Có nhiều quan niệm cũng như mức độ về hạnh phúc. Có người ưng gia đình hạnh phúc, có người ưng công việc hạnh phúc, có người nói được đi tu mới là hạnh phúc, có người nói thành đạt, thành công mới là hạnh phúc, có người nói sức khỏe mới là hạnh phúc, có người nói kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc. Hạnh phúc phụ thuộc vào trí tuệ, vào quan điểm, vào nhận thức của từng người trong cuộc sống, mà tìm kiếm. Phật Thích Ca Mâu Ni thì dạy, giải thoát, niết bàn, hết khổ đau mới là hạnh phúc. Nên nếu ai có niềm tin ở Phật và tu hành, giữ giới luật, đạt được Giới Định Tuệ, thì sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực này.
**
88.
Đối với các bậc tôn kính, con không để hình, tượng dưới chân mình. Lúc nào con cũng để trên đầu, trên cao, để chỗ cao ráo. Kể cả khi ngồi, con cũng không dám ngồi cao hơn họ.
**
89.
Theo học mười giới sa di của Phật Thích Ca thì không nhận tiền. Nhưng họ tu theo các pháp môn khác, họ cho rằng việc nhận tiền bạc là hợp lý, thì không sao cả ạ. Không thể nói đúng sai, không thể chê hay khen, không thể cho rằng phạm giới hay không phạm giới, tùy theo cách tu, tùy theo nhân duyên và phước báu của họ, mà họ có thể nhận hay không nhận tiền. Vả lại, những người kia cũng là tự nguyện cho, chớ họ cũng không xin gì cả. Nên nếu họ nhận thì đó là quyền của họ. Ví dụ như con đây, con tu bộ hành khất thực và không nhận tiền, nếu ai đó nói con là tu sai rồi, thì con cũng kệ họ. Con học, hiểu giáo lý Phật và con thực hành theo giáo lý ấy.
**
90.
Cầm bát đi xuống nhà bếp, nếu mọi người cho đó là khất thực, thì đó là khất thực. Nếu mọi người cho đó là hợp lý, thì đó là hợp lý. Tùy theo quan niệm của mỗi người, đừng để ý. Cũng đừng nên cãi cọ hay phê bình đúng sai. Nếu không có nhà bếp, thì mình ra nhà dân khất thực. Mình chọn theo sự phù hợp với mình, theo kinh sách, theo lời Phật dạy. Sống đời sống ở gốc cây, ở hang đá, ở nghĩa địa thì làm sao có nhà bếp. Ai tu như vậy, thì buộc phải vào làng, vào xóm, khất thực xin cơm thôi.
**
91.
Trong kinh sách, có nói, ở tịnh xá cũng có bếp. Nhưng đa số các bậc thánh ngày xưa, họ vào làng khất thực. Trong kinh Trung Bộ cũng có viết, các sư, vào sáng sớm, đắp y, cầm bát vào làng để khất thực.
**
92.
Có người niệm Phật được vãng sanh nhưng cũng có người niệm Phật, vẫn không được vãng sanh. Niệm Phật để vãng sanh, thì cần phải đầy đủ thiền định, trí tuệ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, đủ sáu Ba La Mật ấy thì niệm Phật chắc chắn sẽ được vãng sanh.
**
93.
Con không nghe trong kinh sách nói điều cho tiền vào trong chuông. Đức Phật đã ra giới không nhận tiền bạc, không cất giữ tiền bạc, mười giới sa-di, thì cũng không có cho tiền vào trong chuông làm gì cả. Còn chùa nào, họ thấy hợp lý thì họ quy định thôi, hoặc trong chung, hoặc trong thùng công đức. Mình cũng không phê bình họ. Tiền họ, họ muốn bỏ đâu họ bỏ, chuông hay két sắt, hòm hay bao, miễn họ vui vẻ, hạnh phúc, tốt cho họ là được.
**
94.
Việc để tiền vào đâu không nói được ạ, họ ưng làm thì làm. Giống như người cha bảo người con, con phải đi đường đông, mà nó thì lý luận, rằng phải đi đường tây, thì chuyện ấy là tùy nghiệp của họ. Việc của mình là nghe lời Phật dạy, không cất giữ tiền bạc, có tiền cũng xả bỏ, và không quan tâm đến việc của người khác, chùa khác. Vì ai tu được thì người đó hưởng. Ngược lại, thì cũng tự người đó lãnh nghiệp thôi. Nếu có quan tâm, là quan tâm đến những người hữu duyên với mình, họ cần học hỏi điều gì ở mình thì mình nói. Và ngay dẫu khi mình có nói rồi, thì cũng không cần quan tâm đến việc, họ có nghe theo mình hay không, vì những quan tâm ấy, chỉ mang lại khổ não cho mình.
**
95.
Đầu trần lúc nắng mưa, nhiều khi cũng rát, lạnh. Nhưng con tập tư duy, Đức Phật với thánh tăng ngày xưa cũng thế, nên con cũng gắng tập học, làm theo, bước theo hạnh của các chư Phật, chư hiền thánh. Đầu trọc, chân đất là Phật bày, chớ con không tự chế ra.
**
96.
Y này, con tự nhặt vải, hoặc quần, hoặc áo, người ta vứt đi, không dùng nữa, trên đường. Cũng có thể đó là vải vóc, áo quần của người chết, ở bãi tha ma, ở bãi đất, bãi rác, người ta quăng bỏ. Con đi như thế này, cũng ít nhặt được vải, nên con thường canh lúc cuối năm, nhà người ta tổng vệ sinh, xả bỏ đồ cũ, thay đồ mới, họ bỏ đi hàng bao, rất nhiều. Bao nào sạch sẽ, còn mới khoảng sáu, bảy mươi phần trăm, mà họ quăng, con lấy về, xé vải ra, may thành y áo, dùng cũng được, từ sáu tháng đến hai, ba năm.
**
97.
Nếu người ta nói con dùng áo của nhà chùa để may y, con cũng kệ họ. Họ muốn nghi ngờ, thì để cho họ nghi ngờ. Họ muốn cho là áo nhà chùa, thì đó là việc của họ. Miễn mình không phải thì thôi. Họ muốn nói gì thì nói, con không quan tâm. Nhà chùa hay không nhà chùa, chỉ có con mới biết, họ làm sao mà biết được. Con không dùng áo nhà chùa. Người ta cho con, con cũng không dùng, kể cả người dân cố tình vứt vải để con nhặt, thì con cũng vẫn không lấy. Con chỉ nhặt những cái họ vứt đi, xả bỏ, khi không còn cần thiết cho họ. Con phát nguyện hạnh phấn tảo y, nên con không dùng đồ nhà chùa. Chùa cho con không lấy. Gia chủ cho, con cũng không nhận.
**
98.
Con không có Phật tử, cũng không có đệ tử. Con không cần nhờ ai. Tự con học tập, tự con bước đi, tự con nhặt vải, tự con may y. May đẹp thì mặc đẹp, may xấu thì mặc xấu. Ngày xưa, con may y đẹp hơn, nhưng mà bây giờ, con không may đẹp nữa. Lỡ như trên đường, ai xin y, con cũng cho được. Vì đẹp, một y may rất lâu. Thôi thì, con khâu tạm tạm, cốt chắc chắn, gặp ai cần, nếu họ xin, con cho luôn, rồi con làm cái khác.
**
99.
Con nghe trên kinh sách, học trên kinh sách, như thế. Con đặt niềm tin vào Đức Phật, và con thực hành, làm theo đúng lời Đức Phật. Ai nói đó là mười ba hạnh đầu đà thì đó chính là mười ba hạnh đầu đà. Ai nói đó là tu khổ hạnh thì đó chính là tu khổ hạnh. Hạnh mà con đang thực hành là, không có sát sanh, không có trộm cắp, không có tà dâm, không có nói láo, không có uống rượu bia, ăn chay ngày một bữa trước mười hai giờ, không có nghe nhạc, không nghe ca hát, không có dầu thơm, không tràng hoa, chuỗi hạt, không nằm giường cao, giường lớn, không có cất giữ tiền bạc. Nói chung, con giữ toàn bộ giới luật ở trong kinh Sa Môn Quả, kinh Phạm Võng. Đặt niềm tin ở đó rồi kèm theo mười ba hạnh đầu đà, phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Đây là tất cả đời tu hành của con. Còn ai đó có nói, con không tu theo lời Phật Thích Ca, thì đó là việc của họ, con không quan tâm. Con cũng không quả quyết là ai đã chế ra những điều trên, nhưng sự thực là con đang hành trì theo như thế, ba mươi bảy phẩm đạo, bát chánh đạo, bốn thánh đế, tứ niệm xứ. Tổng trì, tức, không thiếu pháp tu gì. Cứ lời Phật dạy, thấy hạnh phúc, áp dụng được là thực hành ngay. Không ngồi đó để tranh cãi, đây là phải hay đây là không phải.

******
MINH TUỆ NGỮ LỤC
(明 慧 語 錄 )
Ngữ Lục (語 錄) là chỉ các sách ghi chép pháp của các Thiền Sư. Khi nói pháp, các Thiền Sư "không dùng những lời văn hoa bóng bẩy, mà dùng những từ ngữ bình dị, để nói ngay vào tông chỉ, sau đó, các đệ tử hoặc người tham học mới sưu tập, ghi chép lại thành sách, gọi là Ngữ Lục".
Thể loại Ngữ Lục bắt đầu thấy có từ ngài Lục Tổ Huệ Năng người Lĩnh Nam với Pháp Bảo Đàn Kinh.

Trích từ FB: Nguyễn Xuân Diện

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen

  M ỘT TH ỎA THUẬN MỚI CỦA ISRAEL CHO PHÉP TRÙM HAMAS SINWAR ĐƯỢC PHÉP RỜI KHỎI GAZA Theo (bg/dpa) :  Theo một phương tiện truyền thông đưa ...